![]() |
Nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ vừa được ký kết. Ảnh: Thu Hương |
Mở rộng hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ
Trong khuôn khổ chuyến công tác mới đây của Đoàn Việt Nam do Đặc phái viên của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn tại Hoa Kỳ, hàng loạt thỏa thuận thương mại trị giá tỷ USD đã được ký kết giữa các DN lớn của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Điển hình như: Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cùng Tập đoàn Conoco Phillips và Excelerate ký một số thỏa thuận mua bán dài hạn khí hóa lỏng LNG; Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ký với Tập đoàn Kellogg Brown & Root hợp đồng tư vấn nghiên cứu tiền khả thi nhiên liệu hàng không bền vững; Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) và GE Vernova ký kết bản ghi nhớ hợp tác về việc mua sắm thiết bị và dịch vụ của GE cho các nhà máy điện khí do PVPower phát triển…
Theo Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 150 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Hoa Kỳ hơn 120 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ quốc gia này chỉ hơn 20 tỷ USD. “Những cam kết thương mại trên thể hiện sự chủ động, chính sách nhất quán của Việt Nam là mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại hài hòa, bền vững, ổn định, đôi bên cùng có lợi với Hoa Kỳ”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương nhìn nhận, đây là “bước đi” đầy thiện chí, nhanh nhạy, trách nhiệm, thiết thực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề cân bằng thương mại với Hoa Kỳ.
Theo ông Phương, Hoa Kỳ đang thực hiện nhiều giải pháp để cân bằng cán cân thương mại với đối tác, trong đó có việc áp/nâng thuế nhập khẩu hàng hóa với một số quốc gia XK lớn vào Hoa Kỳ. Tránh nguy cơ đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác thương mại với đối tác Hoa Kỳ. Đến thời điểm này, gần như chưa có quốc gia nào có hành động nhanh, mạnh mẽ như Việt Nam trong vấn đề này.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam chủ động thực hiện giải pháp cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, DN hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế quan trọng trị giá hàng tỷ USD, gia tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ...
Bình luận về động thái này, chia sẻ với báo giới mới đây, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam đang có cách tiếp cận tương đối phù hợp và hiệu quả để cân bằng cán cân thương mại với đối tác lớn, trong đó có Hoa Kỳ. Đó là tăng cường đối thoại chính sách; tăng cường nhập khẩu đối với hàng hóa thiết bị, dịch vụ từ Hoa Kỳ, đồng thời quan tâm, giải quyết nhiều vấn đề khác của DN, nhà đầu tư Hoa Kỳ. Thời gian qua, Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại với nhiều đối tác lớn khác như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tiếp tục đa dạng hóa thị trường, nâng sức cạnh tranh
Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 10/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công thương khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy động lực XK phát triển bền vững.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch hành động về cân bằng thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn, trong đó lưu ý tính chất bổ sung trong cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với các nước thay vì cạnh tranh trực tiếp; báo cáo Thủ tướng để tổ chức triển khai ngay trong tháng 3/2025.
Tiếp tục khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng XK, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký FTA mới với các thị trường tiềm năng (Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin, Trung Á, Ấn Độ…); đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại và bảo đảm tuân thủ quy tắc xuất xứ…
Đánh giá cao chỉ đạo trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là những vấn đề cần phải làm để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Bên cạnh các giải pháp hiện tại, theo ông Trần Quốc Phương, về lâu dài, cần tăng cường nội lực cho DN trong nước, từ đó tạo nền tảng vững chắc để nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế. “Trong bối cảnh hiện nay, “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta đã được chỉ rõ là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là con đường để DN Việt Nam phát triển, XK bền vững”, ông Phương nhấn mạnh.