![]() |
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp. Ảnh: Việt Anh |
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch XK cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc, với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh. Cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Trong quý I/2025, XK của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao.
XK ở cả nhóm hàng nông, thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, ước đạt mức hai con số so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ước có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm này ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Nhiều mặt hàng dù giảm về sản lượng nhưng vẫn đạt kim ngạch cao nhờ giá XK tăng mạnh, như: cà phê (lượng XK ước giảm 15,8% nhưng kim ngạch XK ước tăng 45,8%); hạt tiêu (lượng XK ước giảm 16,4% nhưng kim ngạch XK ước tăng 37,8%); cao su (giảm 7,5% về lượng và tăng 21,5% về kim ngạch); nhân điều (giảm 19,4% về lượng nhưng tăng 4% về kim ngạch).
Kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 87,5 tỷ USD, ước tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục là động lực tăng trưởng của xuất khẩu cả nước. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giầy dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác… ước đạt tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số.
Về cơ cấu thị trường XK, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới các hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. EU là thị trường XK lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ ba (ước đạt 13 tỷ USD) nhưng kim ngạch XK giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%).
“Nhìn chung, XK hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước”, ông Sơn đánh giá. Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản Quý I/2025 tăng 7,9%).
Liên quan đến việc ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này, trong đó, dự kiến áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa XK của Việt Nam từ ngày 9/4 tới, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài thuộc Bộ bày tỏ, Bộ Công Thương lấy làm tiếc khi Mỹ thông báo áp thuế này với tất cả các hàng hóa XK của Việt Nam.
![]() |
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài phát biểu tại họp báo. Ảnh: Việt Anh |
Ông Linh nhấn mạnh, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang nước này chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Mỹ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ.
Theo ông Linh, mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Để ứng phó diễn biến thương mại này, ông Linh cho hay, ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, ngay trong ngày 3/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Chính phủ thành lập Tổ phản ứng nhanh để có giải pháp kịp thời, hoá giải thách thức.
Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới, hoạt động XK của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng XK trong năm 2025.