Làm thế nào để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường là vấn đề được đặt ra. Thông điệp mạnh mẽ tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc xây dựng và phát triển các doanh nghiệp lớn chính là điểm tựa niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, bay cao, bay xa.
Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu loạt bài “Ước vọng doanh nghiệp đầu đàn” góp thêm góc nhìn và phân tích việc hiện thực hóa ước vọng này.
Trong Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới 2021 do Brand Finance thực hiện, Viettel là thương hiệu Việt Nam trong danh sách này với vị trí 325 và được định giá 6,016 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên |
Bài 1: Doanh nghiệp lớn, trọng trách cao
Trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp và doanh nhân đã tạo dựng sự nghiệp của mình, cống hiến cho dân tộc và đất nước. Ngày nay, tiếp nối truyền thống ấy, một lớp doanh nhân thế hệ mới đã thể hiện khát vọng và nỗ lực phát triển bắt kịp thời đại trong cuộc chơi hội nhập, đồng thời thể hiện một tinh thần dân tộc lớn lao cùng “ghé vai” lo việc nước.
Tầm vóc và khát vọng
Mạch nguồn khát vọng kinh doanh của người Việt được nuôi dưỡng liên tục từ đầu thế kỷ 20 cho tới ngày nay với nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực khác nhau đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.
Năm 2020, thị trường dầu thô đã trải qua cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, hàng loạt các ông trùm dầu mỏ như Exxon Mobil lỗ 22,4 tỷ USD, Shell và BP cũng chịu khoản lỗ hơn 20 tỷ USD,…Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn bảo đảm các kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2020 đạt 566 ngàn tỷ đồng (hơn 24,4 tỷ USD), tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 83 ngàn tỷ đồng. PVN có tổng tài sản hợp nhất đến nay là 37 tỷ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất đến nay là 21 tỷ USD.
Trong lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là một trong những doanh nghiệp tiên phong. Đến nay, thương hiệu Viettel đã hiện diện ở 9 quốc gia với đa dạng sản phẩm. Trong Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới 2021 do Brand Finance thực hiện, Viettel tiếp tục là thương hiệu Việt Nam duy nhất trong danh sách này với vị trí 325 và được định giá 6,016 tỷ USD. Viettel luôn là doanh nghiệp đứng đầu cả nước về nộp ngân sách nhà nước với mức trung bình khoảng 40.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tính đến cuối tháng 10 vừa qua, thị trường chứng khoán thị trường Việt Nam ghi nhận 5 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa trên 10 tỷ USD. Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) với 372.298 tỷ đồng (16,4 tỷ USD). Tiếp theo là, Vingroup (mã chứng khoán: VIC), Vietcombank (mã chứng khoán: VCB), Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (mã chứng khoán: GAS).
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX), tại thời điểm kết thúc tháng 10, tổng cộng 45 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD. Đây cũng là những doanh nghiệp có doanh thu cao và đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Hàng loạt DN khác với các sản phẩm thương hiệu góp phần khẳng định vị thế của nền kinh tế Việt Nam như Vinamilk, Vietjet, Sabeco… đã đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho người lao động.
Các DN tư nhân đầu ngành đã đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho người lao động |
Sẵn sàng cho sứ mệnh dẫn dắt
Kinh doanh có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia vào các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội. Đặc biệt khi đại dịch Covid 19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình trong việc cùng Chính phủ, nhân dân vượt qua đại dịch.
Đánh giá về vai trò và sự đóng góp của doanh nghiệp trong sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, tại buổi gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành tích, thành tựu đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhất là kết quả chống dịch vừa qua”.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX), tại thời điểm kết thúc tháng 10, tổng cộng 45 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD. Đây cũng là những doanh nghiệp có doanh thu cao và đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, tri ân đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước với những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả, cùng cả nước kiềm chế, kiểm soát được đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 hết sức nguy hiểm.
Tại cuộc gặp mặt đoàn doanh nghiệp tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp từng bước lớn mạnh cả về số lượng, quy mô lẫn chất lượng, đóng góp to lớn vào những thành tựu phát triển của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh, nhiều doanh nhân thành đạt với nhiều thương hiệu mạnh, hội nhập quốc tế, tham gia tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo thích ứng với điều kiện khó khăn, vượt qua những thách thức do đại dịch mang lại. Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng xã hội, chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch.
Từ nhiều góc độ trong cuộc sống, có thể thấy doanh nghiệp lớn đã làm được nhiều điều, không chỉ là các con số về đóng góp cho ngân sách nhà nước hay tổng sản phẩm quốc nội, mà xung quanh họ, hệ sinh thái doanh nghiệp đang phát triển theo hướng ngày càng bền vững và chất lượng, dần có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp cùng ngành và lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Việc hình thành các doanh nghiệp đầu đàn, có vai trò dẫn dắt là điều khó nhưng cần phải làm để có thể kỳ vọng đạt được những mục tiêu phát triển đất nước như đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nêu rõ: “Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, thực hiện quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”.
Đánh giá cao chủ trương phát triển các doanh nghiệp lớn, TS. Lê Duy Bình, giám đốc Công ty Tư vấn Economica Việt Nam chia sẻ: “Có thể thấy, Đảng ta đã có chủ trương rất rõ về việc hình thành, hỗ trợ sự lớn mạnh của các doanh nghiệp có chất lượng, có vai trò dẫn dắt, từ đó góp phần xây dựng sự phồn vinh của đất nước. Tuy nhiên, những nội dung này cần được quán triệt và nhất quán thực thi từ chính sách đến hành động cụ thể”.