ƯỚC VỌNG DOANH NGHIỆP ĐẦU ĐÀN - Bài 2: Những đổ vỡ đáng tiếc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Để khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, trên tuyến đầu.

Làm thế nào để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường là vấn đề được đặt ra. Thông điệp mạnh mẽ tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc xây dựng và phát triển các doanh nghiệp lớn chính là điểm tựa niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, bay cao, bay xa.

Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu loạt bài “Ước vọng doanh nghiệp đầu đàn” góp thêm góc nhìn và phân tích việc hiện thực hóa ước vọng này.

Lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cấu kết tham nhũng làm thất thoát, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cấu kết tham nhũng làm thất thoát, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Bài 2: Những đổ vỡ đáng tiếc

Chủ trương xây dựng một số tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn trong những lĩnh vực then chốt, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế đã được Đảng ta xác định từ 20 năm trước. Cùng với đó, khu vực kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng, nhiều doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng lớn mạnh, từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Trong hành trình phát triển ấy, đã có những thất bại, đổ vỡ của một số doanh nghiệp lớn và đó sẽ là bài học giá trị để có được những chính sách, bệ phóng tốt hơn cho các doanh nghiệp “đầu đàn” bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

“Đội tàu lớn” và những thất thoát

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa IX (tháng 9/2001) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xác định mục tiêu: “Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành... Thí điểm hình thành tập đoàn kinh tế trong một số lĩnh vực có điều kiện, có thế mạnh, có khả năng phát triển để cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả...”.

Đến năm 2005, 2006, một số tập đoàn kinh tế nhà nước được thí điểm thành lập, với mục tiêu tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực hình thành nhóm công ty có quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực then chốt, cần phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Giữ vai trò bảo đảm các cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân; ứng dụng công nghệ cao; tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, phát triển các thành phần kinh tế khác…

Do nhiều nguyên nhân, chỉ sau khi thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước một thời gian ngắn, năm 2008, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) “đổ vỡ”. Theo kết luận của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 31/7/2010, Vinashin đã đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, trong đó nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng. Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản với số liệu ban đầu, ước tính dư nợ lên tới khoảng 86.000 tỷ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền. Sản xuất, kinh doanh hiện đang bị đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả.

Sau khi “con tàu” Vinashin đổ vỡ, đến lượt Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phát lộ các khoản thua lỗ nghiêm trọng. Lãnh đạo Tổng công ty cấu kết tham nhũng làm thất thoát, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn tài sản tại Vinalines được thông tin trên Báo Thanh tra tháng 5/2012, việc thực hiện chương trình đóng mới tàu của Vinalines tiến độ chậm so với kế hoạch 7 năm, chậm quyết toán đã làm tăng chi phí đầu tư. Hầu hết các dự án mua tàu đều được lập sơ sài, dự án nào cũng nêu hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh nhưng trên thực tế, 39/100 tàu đưa vào khai thác lỗ, thậm chí là lỗ nặng phải bán. Vinalines lại mua về 17 tàu trên 15 tuổi, không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam, điển hình là việc mua tàu Lively Falcon đã qua sử dụng 30 năm… Kết quả kinh doanh giai đoạn 2005 - 2010, nếu hạch toán đầy đủ chi phí, việc khai thác tàu của Công ty mẹ lỗ 935 tỷ đồng. Khoảng 1.836 tỷ đồng mà Vinalines đầu tư dở dang không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Điển hình là việc mua ụ nổi 83M không đúng quy định, chi phí đội lên 489,613 tỷ đồng. Ông Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinalines khi đó, chịu mức án cao nhất là tử hình.

12 dự án thua lỗ của ngành công thương cũng đã và đang mất nhiều thời gian để xử lý dứt điểm với những khoản nợ, khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là: Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất; Dự án Nhà máy Thép Việt Trung; Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 6/2020, các dự án này nợ hơn 63.300 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 26.300 tỷ đồng.

Nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đến nay cũng chưa thực sự phát huy vai trò dẫn dắt, chưa có năng lực cạnh tranh quốc tế, chưa phát triển tương xứng với nguồn lực to lớn đang nắm giữ.

Một số doanh nhân tên tuổi trong lĩnh vực kinh tế tư nhân đặc biệt là các tổ chức tín dụng như Nguyễn Đức Kiên (liên quan Ngân hàng ACB), Hà Văn Thắm (Ngân hàng Oceanbank), Trầm Bê (Ngân hàng Sacombank)… cũng lâm vào vòng lao lý với hàng loạt sai phạm liên quan đến tài chính, ngân hàng.

12 dự án thua lỗ của ngành công thương cũng đã và đang mất nhiều thời gian để xử lý dứt điểm với những khoản nợ, khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

12 dự án thua lỗ của ngành công thương cũng đã và đang mất nhiều thời gian để xử lý dứt điểm với những khoản nợ, khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nguyên nhân

Bộ Chính trị nêu rõ những hạn chế, yếu kém của Vinashin xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trước hết thuộc về trách nhiệm trực tiếp của HĐQT và Ban lãnh đạo Tập đoàn, trong đó có cá nhân Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở Trung ương và địa phương. Về nguyên nhân khách quan, mô hình tập đoàn còn đang trong giai đoạn thí điểm, chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả; thể chế, cơ chế còn thiếu hoặc chưa đồng bộ. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, trong đó có Vinashin…

Chính phủ cũng nhiều lần chỉ ra một số cán bộ quản lý DNNN còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý nên vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ; tại một số DNNN vẫn có những dự án chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm chưa kịp thời.

Theo ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực trạng hoạt động kém hiệu quả của một số DNNN lớn, thậm chí đổ vỡ như Vinashin, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho DN không rõ ràng, trong khi các thể chế liên quan đến “cây gậy” và “củ cà rốt” đối với lãnh đạo DNNN vừa không đủ hiệu quả, đôi khi còn mâu thuẫn. Các quy trình quản trị DNNN cũng thiếu hiệu quả. Quy chế đầu tư, phát triển đối với vốn nhà nước trong DN cứng nhắc, khiến các nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) khó có hiệu quả cao, bắt kịp xu thế. Cơ chế quản trị DN cũng chưa tạo chủ động cho hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của ban giám đốc, HĐQT. Ngoài ra, cơ chế giám sát kém hiệu quả khiến xảy ra lãng phí, tham nhũng và tùy tiện trong sử dụng nguồn lực nhà nước…

Còn ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, tiêu chí đánh giá về chất lượng hiệu quả hoạt động của DNNN chưa sòng phẳng, đâu đó áp đặt đánh giá chủ quan, chưa tách bạch phần DNNN thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao, mà cộng gộp để đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sử dụng đồng vốn. Đó là chưa khoa học, không phản ánh đúng và là vấn đề lớn cần rút ra. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Kiên, sau 10 năm thực hiện nâng lên thành quy mô tập đoàn kinh doanh đa ngành, sau sự cố của Vinashin, các tập đoàn kinh tế nhà nước phải thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, trở lại kinh doanh đơn ngành. Tuy nhiên, hai năm qua khi dịch bệnh tác động mạnh thì thực tế cho thấy khó khăn của DNNN kinh doanh đơn ngành lớn hơn rất nhiều so với DN kinh doanh đa ngành vì các ngành, các lĩnh vực không hỗ trợ được cho nhau. Đó cũng là điều cần suy nghĩ.

Tin cùng chuyên mục