Đồng USD đã giảm giá mạnh nhất kể từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo bắt đầu chương trình mua trái phiếu cách đây 7 năm. Nguyên nhân là do các báo cáo mới nhất về kinh tế Mỹ phát ra những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và do đó rất có thể Fed sẽ phải đi chệch lộ trình tăng lãi suất đã đề ra cuối năm ngoái.
Phiên hôm qua (3/2), USD đã giảm ít nhất 1,7% so với 9 đồng tiền chủ chốt khác. Các nhà đầu tư tiền tệ đang bắt nhịp với xu hướng này trên thị trường trái phiếu, nơi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index theo dõi diễn biến của đồng bạc xanh có lúc đã chạm mốc 1.227,51 điểm trên thị trường châu Á, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ 2009. Năm đó Fed cũng phải đối mặt với cuộc chiến kích thích kinh tế và đã ồ ạt mua vào tài sản.
Đà giảm của USD giúp đồng yên hồi phục hoàn toàn sau khi giảm giá mạnh vào cuối tuần trước, khi NHTW Nhật Bản thông báo áp dụng chính sách lãi suất âm nhằm khôi phục lạm phát vốn đang ở mức gần 0.
USD cũng giảm giá 0,1% so với euro, xuống còn 1,1111 USD đổi 1 euro. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp đồng bạc xanh giảm giá so với đồng tiền chung châu Âu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Market News International, Chủ tịch Fed New York William C. Dudley cho biết những diễn biến trên thị trường tài chính và các số liệu kinh tế trong thời gian vừa qua có thể đe dọa đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Một báo cáo được công bố hôm qua cho thấy trong tháng 1 ngành dịch vụ của nước Mỹ đã tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất kể từ 2014.
Báo cáo việc làm được công bố vào ngày mai sẽ là yếu tố quyết định liệu có phải đồng USD sẽ tiếp tục bị bán tháo hay không. Theo Valentin Marinov, chuyên gia đến từ Credit Agricole, nếu thị trường lao động Mỹ có những số liệu đáng thất vọng trong 2 ngày 4/2 và 5/2, USD vẫn phải chịu nhiều áp lực.