Vẫn chưa ngã ngũ về yêu cầu xe vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay khi Dự thảo Nghị định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô được Bộ Giao thông vận tải đưa ra lấy ý kiến vào giữa năm 2020 đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau về việc bổ sung quy định yêu cầu xe vận tải nội bộ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình như xe hoạt động kinh doanh. Tranh luận này cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Cơ quan soạn thảo chưa tính đầy đủ chi phí thực tế xã hội phải bỏ ra, ngoài chi phí lắp thiết bị giám sát hành trình, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị
Cơ quan soạn thảo chưa tính đầy đủ chi phí thực tế xã hội phải bỏ ra, ngoài chi phí lắp thiết bị giám sát hành trình, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị

Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, xe vận chuyển nội bộ cần quy định việc thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý chặt chẽ các phương tiện này nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Việc lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ phân biệt rõ được hai đối tượng (kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ), “tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng giữa đối tượng không kinh doanh và đối tượng kinh doanh vận tải”.

Theo đó, tại Dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ (người và hàng hóa) phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình (trước ngày 1/7/2022, trước ngày 31/12/2022 đối với xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn). Các dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình gồm các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục.

Tuy nhiên, xét theo tính thống nhất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, yêu cầu này là chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008. Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ có quy định phương tiện vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình đối với các chủ thể kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hoạt động vận tải nội bộ không phải hoạt động kinh doanh vận tải.

Còn xét theo tính hợp lý và khả thi, việc cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát bằng cách áp quy định của hoạt động kinh doanh vận tải đối với vận tải nội bộ là chưa phù hợp. Theo phân tích của VCCI, kinh doanh vận tải được phân loại theo từng loại hình vận tải, do đó cần phải kiểm soát hành trình của xe để nhận biết xe có tuân thủ hành trình tương ứng với loại hình vận tải không. Nhưng với vận tải nội bộ thì Nhà nước không kiểm soát về hành trình của xe, do đó thu nhận thông tin này là không cần thiết.

Về thời gian lái xe liên tục, đối với một số hoạt động vận tải nội bộ (ví dụ như vận chuyển nhân viên đi làm, học sinh đi học…), thời gian vận chuyển sẽ không kéo dài giống như hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Thông thường thời gian xe chạy cho mỗi chuyến ít hơn 4 tiếng đồng hồ. Vì vậy, đối với các hoạt động vận tải người nội bộ, việc kiểm tra thời gian lái xe liên tục là không cần thiết.

Để biết được tốc độ vận hành của xe ô tô, cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng nhiều công cụ khác để kiểm soát, thay vì phải đầu tư thiết bị giám sát hành trình. "Nếu kiểm soát tốc độ vận hành của xe ô tô vận tải nội bộ, thì tại sao lại không áp dụng biện pháp tương tự đối với những xe ô tô vận tải khác (xe ô tô vận tải cá nhân, xe ô tô vận tải nội bộ có sức chứa 10 người trở xuống - các phương tiện này có tính chất là vận tải nội bộ)?", VCCI đặt vấn đề.

Trong khi đó, theo đánh giá tác động chính sách của Cơ quan soạn thảo, dự kiến có khoảng 400.000 phương tiện phải thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị và tổng chi phí cho 400.000 xe vào khoảng 600 tỷ đồng.

Theo VCCI, chi phi này chưa phản ánh đầy đủ chi phí thực tế xã hội phải bỏ ra. Cơ quan soạn thảo vẫn chưa tính chi phí từ phía cơ quan nhà nước phải bỏ ra để thực hiện biện pháp quản lý này; chi phí để doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ... Đối với một số doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ, việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình, cũng như xin Giấy phép hoạt động vận tải nội bộ và cấp phép phù hiệu "xe nội bộ" sẽ gia tăng chi phí và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính. Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều nỗ lực trong cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra các quy định về cơ chế quản lý đối với hoạt động vận tải nội bộ cần được đánh giá tác động đầy đủ và thận trọng hơn.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Trong trường hợp đánh giá tác động của chính sách này cho thấy lợi ích thu được từ hoạt động quản lý lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra thì đề nghị Ban soạn thảo chờ đến thời điểm Luật Giao thông đường bộ 2008 được sửa đổi và có quy định này, sau đó mới quy định ở cấp nghị định.

Tin cùng chuyên mục