Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg. |
Giá vàng thế giới “cắm đầu” trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (16/6), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo bắt đầu nâng lãi suất trong năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York sụt 46,8 USD/oz, tương đương giảm hơn 2,5%, chốt ở 1.812,9 USD/oz. Đây là mức giá thấp nhất của kim loại quý này từ hôm 6/5, theo dữ liệu của trang Trading View.
Đầu phiên sáng ngày 17/6 tại thị trường châu Á, giá vàng hồi nhẹ. Lúc hơn 7h sáng, giá vàng giao ngay theo dữ liệu từ Kitco.com tăng 5,7 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, đứng ở 1.818,6 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 50,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank.
Giá vàng lao dốc do Fed thể hiện quan điểm bớt mềm mỏng hơn sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày 15-16/6.
Tuyên bố sau cuộc họp của Fed cho thấy 11/18 thành viên Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) – cơ quan quyết định chính sách tiền tệ của Fed – dự báo lãi suất cơ bản của đồng USD (Fed fund rates) sẽ tăng ít nhất 2 lần, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm, trong năm 2023. Cho tới lần họp tháng 4, Fed vẫn dự báo sẽ không nâng lãi suất trước năm 2024.
Ngoài ra, tuyên bố của Fed cũng bỏ cụm từ “nghĩ tới việc xem xét cắt giảm chương trình mua tài sản”. Giới phân tích nói rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy trong những lần họp tới, Fed sẽ chính thức bắt đầu cuộc thảo luận về cắt giảm chương trình mua tài sản.
Giá vàng đã hưởng lợi trong năm 2020 khi Fed hạ lãi suất về 0-0,25% và bơm 120 tỷ USD mỗi tháng để mua trái phiếu. Vàng là loại tài sản không mang lãi suất nên thường tăng giá trong môi trường lãi suất thấp và cung tiền nới lỏng. Tháng 8/2020, giá vàng lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 2.000 USD/oz.
Bởi vậy, triển vọng Fed sớm thắt chặt chính sách tiền tệ đã trở thành một đòn giáng mạnh vào vàng. Ngoài ra, trong phiên đêm qua, giá vàng còn chịu sức ép giảm từ đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác nhảy lên mức 91,5 điểm, cao nhất 6 tuần, từ mức 90,5 điểm của phiên trước. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên gần 1,6%, từ mức dưới 1,5% của phiên trước.
Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp của giá vàng và tính từ đầu năm, giá kim loại quý này đã giảm 6,5%.
“Việc Fed dịch chuyển sang một lập trường cứng rắn hơn đã gây áp lực bán mạnh lên thị trường vàng trong ngắn hạn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn sẽ tiếp tục tăng, hỗ trợ cho đồng USD, đặt giá các hàng hoá cơ bản vào vị thế dễ thương tổn”, một báo cáo của trang FXStreet có đoạn viết.
Dù vậy, các nhà phân tích của FXStreet cho rằng trong trung và dài hạn, triển vọng của vàng vẫn duy trì, miễn sao giá vàng giữ được mốc 1.800 USD/oz – một ngưỡng hỗ trợ tâm lý chủ chốt.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda thì cho rằng xu hướng dài hạn của đồng USD vẫn là giảm giá, nên giá vàng sẽ giữ được xu hướng tăng dài hạn.
“Fed sẽ không phải là ngân hàng trung ương đi đầu trong việc thắt chặt chính sách. Fed sẽ là một trong những ngân hàng trung ương cuối cùng thắt chặt. Nên đồng USD sẽ còn giảm giá” và điều đó sẽ hỗ trợ cho vàng – ông Moya nói.