Báo cáo về doanh số bán nhà tháng 4 của Mỹ đạt tốc độ cao nhất trong tám năm qua. Điều này càng củng cố vững chắc hơn cho khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed trong tháng 6 tới.
Chỉ số đồng USD đã tăng mạnh, lên mức cao nhất bảy tuần qua cùng với việc thị trường chứng khoán phục hồi, thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư đã tác động tiêu cực đến giá vàng.
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới hàng trăm nghìn đồng.
Ngoài ra, các lệnh bán ra cũng xuất hiện càng đẩy giá xuống sâu hơn, cả phiên mất trên 21 USD, xuống còn 1.227 USD. Cùng lúc, giá vàng giao tháng 6 chốt ngày mất 22 USD so với phiên liền trước, xuống sát mốc 1.229 USD.
Đà giảm tiếp tục lan sang phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á. Mỗi ounce giảm gần 3 USD ngay khi mở cửa nhưng sau đó đã phục hồi nhẹ. Tính đến 8h, giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.226 USD, giảm khoảng một USD so với chốt phiên.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 33,06 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa ngày hôm qua của vàng miếng trong nước xoay quanh 33,64-33,70 triệu đồng, cao hơn giá thế giới 580.000-640.000 đồng.
So với đỉnh cao kỷ lục 1.920,3 USD đạt được vào tháng 9/2011, giá kim loại quý hiện thấp hơn khoảng 694 USD. Theo các chuyên gia, việc kinh tế của nhiều nước trên thế giới đang hồi phục sẽ khiến cho kim loại quý ngày càng mất đi giá trị.
Về mặt phân tích kỹ thuật, việc giá vàng đang nằm trong xu hướng giảm trên thang biểu đồ. Hiện mức kháng cự vững chắc là 1.270 USD, còn mức hỗ trợ dài hạn là 1.225 USD.
Hiện nay, các nhà đầu tư đang quan tấm đến việc OPEC họp vào ngày 2/6 tới tại Áo để xem động thái cụ thể với lượng cung dầu. Và giá dầu thô sẽ có nhiều biến động sau đó.