Vay vốn ODA Nhật Bản: Ưu đãi và lương tư vấn được tính như thế nào?

(BĐT) - Báo Đấu thầu ngày 30/8 có bài viết “Vay vốn ODA Nhật Bản: DN Việt Nam tham gia đến đâu?” với ý kiến của đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. 
JICA khẳng định, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng các khoản vay ODA của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ tới. Ảnh: Lê Tiên
JICA khẳng định, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng các khoản vay ODA của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ tới. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp nối chủ đề này, JICA Việt Nam cung cấp thêm các nội dung liên quan đến điều kiện ưu đãi, mức lương tư vấn quốc tế trong các dự án ODA Nhật Bản tại Việt Nam.

Về việc giảm các điều kiện ưu đãi, JICA cho biết, các điều khoản và điều kiện của vốn vay ODA Nhật Bản được thiết lập dựa trên mức thu nhập của các nước tiếp nhận (tổng thu nhập quốc dân (GNI)/đầu người). Hỗ trợ phát triển (mức hỗ trợ, trọng tâm hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ...) sẽ biến chuyển cùng với sự phát triển (mức tăng thu nhập) của nước tiếp nhận.

Như vậy, mức độ ưu đãi của các điều khoản và điều kiện của ODA Nhật Bản đã thay đổi khi Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có "thu nhập trung bình thấp".

Mặc dù vậy, theo JICA, sự gia tăng của lãi suất là rất nhỏ, từ 1,4% lên 1,5% cho các điều khoản không ràng buộc, đồng thời yếu tố không hoàn lại trong vốn vay ODA Nhật Bản theo cách tính của Ủy ban Hỗ trợ phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD-DAC) vẫn còn cao. Hơn nữa, mức độ ưu đãi của ODA Nhật Bản có thể được nhận thấy thông qua so sánh với các nhà tài trợ đa phương và song phương khác.

JICA cho biết, mức tiền lương cho tư vấn Nhật Bản trong các dự án sử dụng   vốn vay ODA đa phần là giống với các dự án tương tự do các nhà tài trợ khác thực hiện tại Việt Nam.
Giải thích rõ hơn về điều này, JICA cho biết, kể từ tháng 7/2017, các nhà tài trợ đa phương đã bắt đầu dừng cung cấp các khoản vay ODA cho Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã tốt nghiệp các khoản vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2017 và sẽ tốt nghiệp các khoản vay hỗn hợp ODA và vay ưu đãi thông thường (OCR) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào tháng 1/2019. Ngược lại, JICA, với việc thiết lập các điều khoản và điều kiện cho vay của mình dựa trên định nghĩa ODA của OECD-DAC, có thể tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA cho Việt Nam đến khi Việt Nam tốt nghiệp hạng mục "thu nhập trên trung bình" (hiện được định nghĩa là có mức GNI/đầu người trên 12.235 USD). Xem xét sự tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng các khoản vay ODA của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ tới.

Liên quan đến việc hình thành dự án, JICA ban hành “Hướng dẫn chung về thẩm định” vào mỗi năm tài chính. Các mục được nêu trong Hướng dẫn chung là các quy tắc áp dụng mang tính toàn cầu và được thiếp lập cho mục đích ước tính chi phí. JICA thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam, trong đó có Bộ Tài chính, về các mục trong Hướng dẫn chung trước khi tiến hành thẩm định và hoàn tất dự toán chi phí.

Để tránh xảy ra tình trạng thiếu vốn trong quá trình thực hiện dự án, Hướng dẫn chung đưa ra các quy định chung về tỷ giá hối đoái, các định mức chi phí, dự phòng và trượt giá nhằm thực hiện ước tính chi phí. Dựa trên chi phí ước tính cho dự án, JICA sẽ quyết định về khối lượng vốn vay được cung cấp theo nguồn tài chính của JICA. Vì vậy, các mục trong Hướng dẫn chung được sử dụng để đánh giá khối lượng tài chính thích hợp tài trợ cho dự án.

Về mức tiền lương cho tư vấn Nhật Bản trong các dự án sử dụng vốn vay ODA, JICA cho biết, mức lương được đề cập trong Hướng dẫn chung dành cho thẩm định được xác định dựa trên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm toàn cầu, do đó, nó không phải là một đơn giá cố định. Hơn nữa, trong quá trình tham vấn, JICA cũng thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam về tính phù hợp của đơn giá này với các định mức chi phí của Việt Nam. Do đó, mức giá được áp dụng đa phần là giống với các dự án tương tự do các nhà tài trợ khác thực hiện tại Việt Nam.

“Nếu bạn có bằng chứng cho thấy mức lương tư vấn Nhật Bản cao hơn so với các nhà tài trợ khác, xin vui lòng chia sẻ các thông tin cụ thể với chúng tôi”, JICA đề nghị.

Tin cùng chuyên mục