VEPR nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 lên 6,83%

(BĐT) - Với mức tăng trưởng cao đột biến 7,38% của quý I/2018 và các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 mà Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Không những vậy, mức tăng trưởng năm 2018 có thể đạt tới 6,83%.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Môi trường kinh doanh được cải thiện

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2018 vừa được VEPR công bố ngày 10/4, kịch bản tăng trưởng và lạm phát của quý II lần lượt là 6,51% và 3,44%; quý III là 6,84% và 3,84%; quý IV là 6,75% và 4,21%.

Dự báo lạc quan này, theo các chuyên gia, không phải không có cơ sở khi mức tăng trưởng quý I/2018 đạt tới 7,38% - cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Số liệu mà Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, hàng loạt chỉ số kinh tế có mức tăng trưởng vượt bậc như: Sản xuất công nghiệp tăng 11,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, khu vực dịch vụ đạt mức tăng 6,7%... Và đặc biệt, sau nhiều năm chỉ tăng trưởng dưới 3%, thậm chí tăng trưởng âm như năm 2016 (-1,23%), khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 4,05%.

Theo lý giải của TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, mức tăng ấn tượng này được tiếp sức từ đà tăng trưởng tích cực của hai quý nửa sau năm 2017.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, còn phải kể đến tác động tích cực từ một số sự kiện quan trọng là: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên đã được ký kết tại Chile; Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị GMS 6 và CLV 10, Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS... Theo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mà Nikkei vừa công bố, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á có điểm số cao nhất, trên 50 điểm. Điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cao nhất từ trước đến nay với xu hướng tăng điểm đều của gần như tất cả các tỉnh... Những kết quả này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang được cải thiện. 

Vừa mừng lại vừa lo

Bên cạnh những dự báo lạc quan, theo TS. Nguyễn Đức Thành, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4%, rất cần nỗ lực của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Trước sự tăng trưởng đột biến của chỉ số sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, các chuyên gia vừa mừng nhưng lại vừa lo vì giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực này.

Việc ký kết CPTPP tiếp tục củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, điều này cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu ngân sách nhà nước khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm.

Áp lực bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách do chính sách giảm tỷ trọng thu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn như dầu thô, hay hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư tư nhân và FDI... cũng khiến các chuyên gia lo ngại khi mới đây Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT. Các chuyên gia cho rằng, cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế. Bởi vì việc tăng thuế suất VAT sẽ tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức; mặt khác cũng không bảo đảm sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách.

Cũng liên quan tới vấn đề ngân sách nhà nước, thâm hụt ngân sách và nợ công với ý tưởng đưa “kinh tế ngầm” vào tính toán GDP, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến cáo, việc cấp thiết không phải là tính toán khu vực phi chính thức vào tổng GDP, mà cần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài để nâng hiệu quả kinh tế - xã hội, hay giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích. Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh.