Thực tế cho thấy, nhiều bên mời thầu cố tình gây khó dễ cho nhà thầu trong quá trình mua HSMT, nộp HSDT. Ảnh: Hà Chí |
Giám sát việc xử lý kiến nghị trong đấu thầu là biện pháp cần thiết để đảm bảo các kiến nghị của nhà thầu không bị quên lãng.
Chế tài mạnh nhưng xử lý không nghiêm
Thực tế hoạt động đấu thầu thời gian qua cho thấy, có tình trạng khá phổ biến là nhiều bên mời thầu ngang nhiên vi pháp pháp luật về đấu thầu, tìm cách tước đoạt quyền lợi chính đáng của nhà thầu trong các cuộc thầu. Điển hình cho những vi phạm này là việc bên mời thầu cố tình gây khó dễ cho nhà thầu trong quá trình nhà thầu mua HSMT, nộp HSDT; rồi việc bên mời thầu cài cắm các điều kiện trong HSMT nhằm hạn chế cạnh tranh; bên mời thầu chấm thầu thiếu khách quan, công bằng... Rất nhiều tiêu cực vẫn thường xuyên hiện diện trong các cuộc thầu, thế nhưng ít có một bên mời thầu, chủ đầu tư nào bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý “đến nơi đến chốn”.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở đối với nhà thầu, bao gồm việc hạn chế mua HSMT sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm. Như vậy, theo luật định thì bên mời thầu, chủ đầu tư nào nếu cố tình cản trở, không phát hành HSMT cho nhà thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu thì ngoài việc bị “truất quyền” làm bên mời thầu, chủ đầu tư, còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
Chế tài là vậy, tuy nhiên trên thực tế, mức xử phạt cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các bên mời thầu, chủ đầu tư có hành vi vi phạm vẫn là chuyện vô cùng hãn hữu. Đây cũng chính là lý do giải thích cho việc vì sao nhiều bên mời thầu, chủ đầu tư dù biết rõ mình đã có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng vẫn ngang nhiên phạm luật, thậm chí có biểu hiện “nhờn luật”.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, mặc dù pháp luật đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động đấu thầu, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng bên mời thầu có những hành vi vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến. Nguyên nhân là việc xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan không thực sự nghiêm minh, không phản ánh đúng mức độ vi phạm của các chủ đầu tư, bên mời thầu; trong xử lý các vụ việc vi phạm còn nể nang, thậm chí có sự dung túng, bao che. Thực trạng này khiến dư luận hết sức quan ngại về tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh cũng như đặt những dấu hỏi lớn về “lợi ích nhóm” trong hoạt động đấu thầu.
Tiêu cực vì không có cơ quan giám sát
Theo chia sẻ của nhiều nhà thầu với phóng viên Báo Đấu thầu, khi nhà thầu có kiến nghị gửi đến chủ đầu tư thì kiến nghị của nhà thầu thường không được quan tâm. Trường hợp nếu chủ đầu tư có xem xét, xử lý kiến nghị thì việc xử lý cũng chỉ được thực hiện cho có, vì vậy kết quả xử lý gần như không thay đổi, không chấn chỉnh được những tiêu cực trong đấu thầu.
Thực tế đeo bám nhiều cuộc thầu của phóng viên cũng đã cho thấy, sau khi Báo Đấu thầu có bài phản ánh về các biểu hiện tiêu cực trong đấu thầu thì cũng đã nhận được sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương. Tuy nhiên, các đề xuất xử lý hoặc biện pháp xử lý được đưa ra lại chưa đủ mạnh để chữa căn bệnh “làm liều” trong đấu thầu. Những tiêu cực vì thế không được giải quyết thấu đáo như kỳ vọng của dư luận và nhà thầu kiến nghị.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia đấu thầu, kiến nghị của nhà thầu thường đi vào ngõ cụt bởi vì các cơ quan có trách nhiệm xử lý kiến nghị đa phần là xử lý một cách hình thức, không có tính thuyết phục, không giải quyết được những vấn đề gốc rễ của hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, việc không có một cơ quan nào đứng ra giám sát việc xử lý kiến nghị trong đấu thầu, đánh giá xem việc xử lý kiến nghị đó có thỏa đáng hay không cũng là nguyên nhân khiến các kiến nghị của nhà thầu không được quan tâm xem xét. Đây chính là lỗ hổng cần phải được lấp đầy trong công tác quản lý nhà nước về đấu thầu hiện nay.