Vì sao TP.HCM đề xuất căn hộ thương mại tối thiểu 45 m2?

(BĐT) - Vừa qua, TP.HCM đã có công văn đề xuất Bộ Xây dựng quy định diện tích tối thiểu đối với căn hộ thương mại là 45 m2 và căn hộ nhà ở xã hội tối thiểu là 25 m2. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đề xuất này gây ra những tranh cãi trái chiều, thế nhưng TP.HCM vẫn kiên định với quan điểm trên. Lý do gì khiến TP.HCM kiên quyết “nói là làm”? 

Sức ép đô thị vượt tầm kiểm soát

Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, mỗi năm, TP.HCM có khoảng 1 triệu người nhập cư. Với số lượng người nhập cư lớn, dân số của Thành phố năm 2017 hiện đã lên tới khoảng 13 triệu người.

TP.HCM hiện có tổng diện tích là 2.096 km2, trong đó 5 huyện ngoại thành đã chiếm tới 1.601 km2, với số lượng dân số vào khoảng 2 triệu người (kể cả người nhập cư). Như vậy, tính sơ bộ, mật độ dân số nội thành TP.HCM vào khoảng 22 ngàn người/km2. Nếu chỉ xét trong nội thành thì TP.HCM xứng đáng xếp “Top 10 thành phố có mật độ dân số đông nhất thế giới”. Trong khi đó, hạ tầng giao thông của Thành phố còn chưa đáp ứng được mật độ dân số khoảng 4 ngàn người/km2.

Đây là điểm mấu chốt khiến thời gian qua TP.HCM quyết liệt giảm thiểu sức ép lên đô thị. TP.HCM cũng đang rà soát mức độ ảnh hưởng của các dự án chung cư cao tầng nên các dự án trong nội đô trước khi được Sở Xây dựng cấp phép phải qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông vận tải đánh giá tác động về giao thông. 

Căn hộ nhỏ chủ yếu được xây trong nội thành

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trong 3 năm (2014 - 2016), lượng căn hộ bán ra tại thị trường khoảng 86.000 căn. Nếu căn cứ theo quy định cơ cấu căn hộ trong nhà ở cao tầng với 3 loại nhỏ, trung bình, lớn theo tỷ tệ 1:2:1 thì đã có khoảng trên 20.000 căn hộ nhỏ được tiêu thụ. Chưa kể đến bất kể dự án nào căn hộ nhỏ cũng gần như bán hết, cùng với việc Bộ Xây dựng cho phép điều chỉnh diện tích căn hộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường thì lượng căn hộ nhỏ được tiêu thụ trong thời gian qua có thể sẽ nhiều hơn.

Thế nhưng, dự án căn hộ có diện tích nhỏ vị trí ngoại thành chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Có thể kể đến 2 dự án của Công ty Lê Thành tại quận Bình Tân có khoảng 2.500 căn hộ đã và đang triển khai có diện tích từ 20 m2 - trên 40 m2, một số căn hộ tại Dự án Thái An (Quận 12) của Công ty Đất Lành được chia nhỏ theo kiểu 2 căn hộ chung 1 sổ có diện tích trên 20 m2/căn hộ. Kể cả lượng căn hộ “chia chui” như của Đất Lành thì vùng ngoại ô TP.HCM cũng chưa có đến 5.000 căn hộ nhỏ.

Ngay như dự án nhà ở xã hội của Công ty Hoàng Quân được xây dựng tại ngoại thành thì diện tích căn hộ nhỏ nhất cũng từ 50 m2 trở lên, trong khi đó TP.HCM cho phép diện tích tối thiểu là 25 m2.

Không giống các thành phố khác, trong 3 năm tới TP.HCM còn phải “gánh” gần 10.000 căn hộ officetel với diện tích dưới 45 m2 đã và đang được xây dựng tại các dự án nhà ở thương mại kết hợp văn phòng.

Ngay sau khi UBND TP.HCM đề xuất diện tích tối thiểu đối với căn hộ nhà ở thương mại là 45 m2, Hiệp hội BĐS TP.HCM đã có văn bản kiến nghị cho phép nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25 m2. Song kiến nghị này của Hiệp hội rất khó được chấp nhận bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh, gia tăng dân số cơ học, quá tải hạ tầng - xã hội, phá vỡ quy hoạch tại TP.HCM đang là vấn đề đang hiện hữu chứ không còn là nguy cơ nữa.      

Tin cùng chuyên mục