Vị thế cung cấp dịch vụ chia sẻ xe hàng đầu thế giới của Uber lung lay

Uber đang nỗ lực duy trì vị thế là nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ xe hàng đầu thế giới, dù cho chuỗi bê bối liên quan đến Uber vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. 
(Nguồn: DailyMail/ TTXVN)
(Nguồn: DailyMail/ TTXVN)

Câu hỏi đặt ra là liệu vụ việc mới nhất về bảo mật thông tin khách hàng, vừa được khui ra trong tuần này, có thể đẩy khách hàng trên thế giới tìm tới các dịch vụ chia sẻ xe khác hoặc các hình thức di chuyển khác hay không. 

Trong một thông báo đưa ra ngày 21/11, tân Giám đốc điều hành Uber, ông Dara Khosrowshahi thừa nhận rằng, tin tặc đã bẻ khóa hệ thống máy chủ của hãng, đánh cắp dữ liệu cá nhân của 57 triệu lái xe và khách hàng. 

Vụ việc đã được giấu kín trong khoảng một năm nay và gần đây ông Khosrowshahi mới biết thông tin này. 

Hiện, hai thành viên cấp cao của đội an ninh mạng của Uber có liên quan đến vụ việc đã bị sa thải. 

Theo một nguồn tin nội bộ, Uber đã phải trả cho tin tặc 100.000 USD để xóa bỏ các dữ liệu đánh cắp nói trên, song hãng cũng không đưa ra cảnh báo với những khách hàng của Uber sau vụ việc. 

Khách hàng và một số chuyên gia kinh doanh nói rằng, các vụ bê bối trước của Uber như quấy rối tình dục khách hàng, lái xe có tiền án tiền sự và đến giờ là việc dữ liệu khách hàng bị đánh cắp… có thể khiến khách hàng “thẳng tay” xóa ứng dụng Uber khỏi điện thoại của họ. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vì sự tiện lợi của Uber nên bê bối mới nhất có thể không tạo nhiều khác biệt so với những vụ việc trước đó và khách hàng sẽ "ở lại" với dịch vụ này. 

Đầu tuần này, tiểu bang Colorado của Mỹ đã phạt Uber 8,9 triệu USD do việc cho phép những người có tiền án tiền sự nghiêm trọng lái xe cho hãng này. 

Nhưng vụ đánh cắp dữ liệu khách hàng đã khiến Chính phủ Mỹ phải “nhúng tay” vào. 

Các nhà chức trách tại Anh, Mỹ - hai thị trường hoạt động chính của Uber - cùng với Australia và Philippines thông báo sẽ mở cuộc điều tra liên quan đến vụ bê bối đánh cắp thông tin gây chấn động này bất chấp việc Uber cam kết tăng cường an ninh bảo mật dữ liệu. 

Tại Mỹ, Tổng chưởng lý tại ít nhất bốn bang gồm Connecticut, Illinois, Massachusetts và New York cho biết các cuộc điều tra làm rõ vụ việc đang được tiến hành. 

Một số nhà lập pháp Mỹ còn kêu gọi Quốc hội nước này tiến hành phiên điều trần, đồng thời đề nghị Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) tham gia làm rõ vụ bê bối này. 

Robert Passikoff, Chủ tịch Brand Keys Inc, một công ty nghiên cứu khách hàng ở New York, cho biết vụ bê bối này càng làm thương hiệu Uber trở nên suy yếu hơn.

Cuộc thăm dò của Brand Keys Inc. cho thấy, trong năm 2015, Lyft đã vượt qua Uber để trở thành thương hiệu đáng tin cậy nhất trong dịch vụ chia sẻ xe, và sự tin tưởng vào Uber cũng bị xói mòn kể từ đó. 

Kể từ tháng 8/2017 tới nay, thị phần của Lyft trong dịch vụ chia sẻ xe tại Mỹ đã tăng 3 điểm phần trăm, lên 33%. Cách đây hai năm, thị phần của Lyft chỉ ở mức 12%. 

Uber, được thành lập vào năm 2009 tại bang California, Mỹ. Kể từ khi đi vào hoạt động, Uber đã mở rộng dịch vụ của mình tới hơn 450 thành phố tại 76 quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hãng cũng phải đối mặt với nhiều phản đối từ các doanh nghiệp taxi vì cho rằng hình thức này không tuân thủ các quy tắc của taxi truyền thống./. 

Tin cùng chuyên mục