Vị thế mới, vai trò mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, sau 77 năm lập quốc, 35 năm đổi mới, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.
Việt Nam đã cử nhiều sĩ quan và quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: VOV
Việt Nam đã cử nhiều sĩ quan và quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: VOV

Đảm nhận nhiều vị trí, vai trò quan trọng

Trung tuần tháng 8/2022, tại trụ sở Bộ Công an, 3 sĩ quan đã được trao quyết định của Chủ tịch nước về việc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) tại Phái bộ Nam Sudan. Tại buổi lễ đặc biệt này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc cử lực lượng tham gia GGHB LHQ đã góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nâng cao hơn nữa hình ảnh, vai trò, trách nhiệm của lực lượng vũ trang Việt Nam nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Trước đó, tháng 4/2022, Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 với biên chế 184 quân nhân đã nhận lệnh lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Abyei và Nam Sudan. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã cử 76 lượt sĩ quan làm nhiệm vụ cá nhân và 189 quân nhân tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2. “Quyết định cử lực lượng quân đội tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam nói chung và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng khẳng định.

“Trong thời gian qua, Việt Nam được nhìn nhận như một nhân tố tích cực, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và thế giới. Sự kiện biểu thị rõ nhất cho sự gia tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế chính là Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193)”, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng nhìn nhận.

Nhắc lại bối cảnh năm 2020, ông Tiếng phân tích, khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội, các quốc gia đóng cửa biên giới nhưng các hoạt động của ASEAN vẫn diễn ra đều đặn dưới sự chủ trì, dẫn dắt của Việt Nam bằng phương thức hoạt động mới - “ngoại giao số”.

TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, khi Việt Nam mới tham gia tổ chức LHQ, mục đích được đề ra phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ là ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Giờ đây, Việt Nam có bước phát triển mới là đóng góp vào lợi ích chung. Đó là sự khác biệt, trưởng thành của Việt Nam ở các tổ chức và diễn đàn đa phương quốc tế.

Đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam đã góp phần nâng tầm vị thế của ASEAN và nâng cao hình ảnh đất nước. Một trong những sáng kiến nổi bật của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an LHQ thời gian qua chính là đề xuất và thúc đẩy thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh là ngày 27/12 hằng năm, với số lượng nước đồng bảo trợ đạt kỷ lục (112 quốc gia).

Theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, năm 2021 tiếp tục là năm đánh dấu đậm nét vai trò và vị thế của Việt Nam thông qua chiến lược “ngoại giao vaccine” đã đưa Việt Nam vào top 6 quốc gia có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.

Song song đó, ở trong nước, việc Mỹ mở Văn phòng đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội cũng đã cho thấy uy tín của Việt Nam tại khu vực và cộng đồng ASEAN.

Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp về châu Á - Thái Bình Dương cho rằng vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN là rất quan trọng. Không phải là nước sáng lập ra ASEAN, gia nhập muộn hơn so với các thành viên khác, nhưng Việt Nam đã thật sự và rất có trách nhiệm trong ASEAN. Việt Nam thực sự trở thành hình mẫu cho các nước ASEAN còn lại.

Tiếp tục khẳng định vị thế

Tuần giữa tháng 5 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ; thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và LHQ. Sự kiện được các tổ chức quốc tế, các hãng truyền thông lớn trên thế giới đánh giá là chuyến công tác “3 trong 1”: song phương kết hợp đa phương ở tầm khu vực ASEAN và đa phương ở tầm toàn cầu về LHQ.

Chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa đã tạo cho Việt Nam không gian mở cả về song phương và đa phương. Việt Nam từ chủ trương tham gia tích cực đã trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trả lời báo giới sau chuyến đi của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự, phát biểu ở tất cả các sự kiện của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ và được các đối tác đánh giá rất cao. Về định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ở 3 điểm: Thứ nhất là bảo đảm hòa bình, duy trì ổn định phải được quan tâm hàng đầu. Thứ hai là khôi phục lại dòng chảy thương mại và đầu tư, trong đó nhấn mạnh Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ mở rộng kinh doanh, thúc đẩy gắn kết thị trường ASEAN đầy tiềm năng. Cuối cùng là trong xử lý các vấn đề toàn cầu cần có cách tiếp cận toàn cầu và ASEAN mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là trong vấn đề an ninh y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, các vấn đề an ninh phi truyền thống…

Bà Kanni Wignaraja, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) nhận định: “Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển rất tham vọng, với UNDP thì đó là tín hiệu tuyệt vời nhất. Các bạn đặt con người lên hàng đầu, nhất là phòng chống dịch Covid-19 rất quyết liệt, Việt Nam đang phục hồi rất nhanh. Đây là hình mẫu để các nước khác nhìn vào”.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như LHQ, ASEAN, APEC, ASEM, WTO…

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa liên kết kinh tế sâu rộng; đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao, và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới.

Chủ trương về đối ngoại của Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước. Chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa đã tạo cho Việt Nam không gian mở cả về song phương và đa phương. Việt Nam từ chủ trương tham gia tích cực đã trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. “Sức mạnh của đối ngoại chính là làm sao để tiếp tục công cuộc đổi mới, phục hồi kinh tế, kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, gắn kết được với môi trường xung quanh, bao gồm các nước láng giềng và xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các nước lớn. Vớivị thế của đất nước, cộng với thành công 2020 về ASEAN, 2020 - 2021 về Hội đồng Bảo an LHQ, tin rằng Việt Nam sẽ phát huy được những thành quả và tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế, trách nhiệm và đóng góp trong quá trình hội nhập toàn cầu”, ông Vinh chia sẻ.