Nga được cho là không muốn thể hiện cuộc tập trận quá khiêu khích. Ảnh: 81.cn |
"Cuộc tập trận diễn ra ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Điều đó cho thấy cả Nga và Trung Quốc đều không muốn thể hiện là nó quá khiêu khích", bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, trao đổi với VnExpress sáng nay.
Trung Quốc và Nga hôm qua điều tàu ngầm cùng nhiều phương tiện quân sự cho cuộc tập trận tại Biển Đông kéo dài đến ngày 19/9. Địa điểm diễn ra cuộc tập trận ở ngoài khơi thành phố cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.
Sau khi Toà trọng tài phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông hồi giữa tháng 7, Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết nhưng Bắc Kinh từ chối và cho rằng Washington có ý đồ gây bất ổn khu vực. Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Theo bà Glaser, chuyên gia lâu năm theo dõi diễn biến ở Biển Đông, cuộc tập trận này diễn ra ở Biển Đông có thể là đề xuất của Bắc Kinh nhằm để Moscow thể hiện bằng hành động cho thấy ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong tranh chấp.
"Nga có thể muốn thể hiện sự đoàn kết với Trung Quốc" trước Mỹ bằng cuộc tập trận này, bà Glaser nhận định. Hai nước đều phản đối sự can thiệp của Mỹ vào khu vực, kể cả hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Washington và Seoul tuyên bố sẽ triển khai.
Glaser lưu ý Nga và Trung Quốc trước đây từng tập trận chung ở Địa Trung Hải và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. South China Morning Post cho biết đây là lần tập trận hải quân chung thứ 5 giữa Bắc Kinh và Moscow từ năm 2012, một phần trong nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự, an ninh.
"Moscow chọn việc ủng hộ các lợi ích của Bắc Kinh để có thể trông cậy Trung Quốc có hành động tương tự với Nga trong tương lai", bà Glaser nói.