Xi măng Vicem Hoàng Thạch vẫn kiên trì với mục tiêu đề ra khi 7 tháng đầu năm lượng sản phẩm tiêu thụ đạt trên 2 triệu tấn |
Là thương hiệu số 1 tại khu vực phía Bắc nhưng trong những năm gần đây Vicem Hoàng Thạch gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu xi măng khác. Đặc biệt, trong vòng bán kính trên dưới 100 km có nhiều nhà sản xuất lớn như Chinfon, Vicem Hải Phòng, Thăng Long, Phúc Sơn, Cẩm Phả… với tổng công suất khoảng 15 triệu tấn. Thêm vào đó, xi măng luôn trong tình trạng “thừa Bắc thiếu Nam” cũng gia tăng áp lực cho các nhà sản xuất phía Bắc và khu vực miền Trung.
Với tổng công suất của 3 dây chuyền trên 4 triệu tấn, lợi thế lớn nhất mà Vicem Hoàng Thạch có được là các dòng sản phẩm được người dân tin dùng, sản phẩm của Vicem Hoàng Thạch vì thế được tiêu thụ rộng rãi trong khối dân sinh, đặc biệt là tại địa bàn Hà Nội và các địa bàn truyền thống tại Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Nếu so sánh về giá thì xi măng Hoàng Thạch có mức giá nhích hơn một chút trong các sản phẩm xi măng bán lẻ tại thị trường Hà Nội hiện nay như: Chinfon, Vicem Bút Sơn, The Vissai, Xuân Thành… Tuy nhiên, theo đại diện Công ty TNHH Sơn Hoàng - nhà phân phối xi măng Hoàng Thạch cho biết: “Nói về giá bán lẻ thì Hoàng Thạch cao hơn hẳn các thương hiệu khác, nhưng bù lại có cao mấy thì người dân vẫn dùng. Sản phẩm của Hoàng Thạch đã được người ta dùng cách đây 35 năm, từ ngày xây nhà chủ yếu là vôi với cát, xi măng chỉ được dùng để đổ móng, xây các trụ chính. Đến nay, chất lượng và màu sắc xi măng Hoàng Thạch vẫn chuẩn nên dân dùng rất nhiều. Không chỉ bán cho dân, chúng tôi còn bán cho các công trình lớn”.
Dẫu vậy, việc tiêu thụ mạnh trong khối dân sinh cũng gặp trở ngại khi địa bàn tiêu thụ truyền thống có thêm sản phẩm của các thương hiệu mới ra đời. Đơn cử như năm 2012, tiêu thụ nội địa khó khăn khiến xi măng La Hiên “quyết” bán thấp hơn xi măng Hoàng Thạch đến 450 ngàn đồng/tấn. Với mức chênh lệch này sản phẩm dù có tốt đến đâu, thương hiệu có lớn thế nào vẫn không thể cạnh tranh khi giá bán của doanh nghiệp khác giảm đến 27% trên thị trường. Thời điểm này, mức chênh của các loại xi măng địa phương dù không lớn nhưng dao động ở mức trên dưới 200 ngàn đồng/tấn vẫn là mức chênh lệch lớn về giá.
Nằm trên địa bàn có nhiều nhà xuất khẩu, không chỉ phải cạnh tranh với các nhà sản xuất khác mà việc đánh thuế suất 5% đối với sản phẩm xi măng khiến lợi nhuận của xi măng Hoàng Thạch giảm đáng kể. Không riêng gì Hoàng Thạch, gần như tất cả các nhà xuất khẩu đều phải giữ bí mật của đơn hàng xuất khẩu trước khi sản phẩm cập bến. Trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xuất khẩu trên 10,8 triệu tấn xi măng trị giá 378,5 triệu USD, tăng 21,3% về lượng và 13,2% về trị giá. Nhìn vào con số có thể thấy xuất khẩu có sự tăng trưởng tích cực, nhưng “soi” về sản lượng xuất khẩu tại các thị trường thì việc có được lợi nhuận cho xuất khẩu là không dễ. Thị trường Bangladesh chiếm 4,524 triệu tấn, thị trường các nước Peru, Australia, Mozambique, Kenya, SriLanka có tổng sản lượng khoảng 1,37 triệu tấn cho thấy xi măng Việt Nam đang phải đi một quãng đường quá xa, chi phí vận chuyển tăng cao nhưng giá chỉ tăng chút ít.
Giữ được mức tiêu thụ như hiện nay cũng là một thành tích “đáng nể” của Vicem Hoàng Thạch khi sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong 7 tháng đầu năm 2017 tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng tiêu thụ nội địa lại giảm 1%.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh, ngoài 2 dòng sản phẩm chủ đạo là xi măng PCB40, PCB30, Hoàng Thạch còn có dòng sản phẩm chuyên dụng xây trát cao cấp là MC25. Hiện MC25 Hoàng Thạch được tiêu thụ khá tốt vì sản phẩm này giúp rút ngắn thời gian xây trát đối với các công trình dân sinh.
Ngoài sản xuất xi măng là sản phẩm chủ đạo, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch còn có thêm Xí nghiệp Sản xuất bao bì và Nhà máy Vật liệu chịu lửa kiềm tính chuyên sản xuất gạch chịu lửa cho lò nung xi măng. Sau 15 năm Vicem “nhận lại” từ Tổng công ty Viglacera, sản xuất và kinh doanh của Nhà máy Vật liệu chịu lửa kiềm tính đang dần ổn định, nhưng do đặc thù của sản phẩm nên tiêu thụ khá bấp bênh. Bộ Xây dựng cũng đã có chỉ đạo về việc thoái vốn 2 đơn vị này trong quá trình cổ phần hóa Vicem, song việc thoái vốn tại Nhà máy Vật liệu chịu lửa kiềm tính sẽ khó khăn khi Hoàng Thạch phải “gồng gánh” hơn 15 năm qua để nhà máy này tồn tại.
Nằm trong khó khăn chung của toàn ngành xi măng, tuy nhiên Vicem Hoàng Thạch vẫn có lợi thế ở việc sở hữu đội ngũ kỹ sư hàng đầu trong ngành xi măng Việt Nam. Điều này góp phần giúp Công ty hạn chế tối đa việc dừng lò đột xuất, các định mức tiêu hao nhiên liệu đều trong giới hạn cho phép, tận dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là điều kiện để người lao động yên tâm với công việc của mình.