Bộ Công Thương ký kết với Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch về 3 vấn đề của ngành năng lượng. Ảnh: VGP |
Đây là thông tin được đưa ra tại Chương trình Công bố báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2017 do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Đan Mạch đồng tổ chức diễn ra vào chiều 20/9.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo Dự thảo Báo cáo Quy hoạch phát triển Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035 do Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) thực hiện, dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015.
Vào năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỉ trọng 27,5%) được dự báo sẽ gia tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5%/năm.
Trong khi đó, Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung năng lượng. Dự kiến, tỉ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 37,5% vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035. Điều này sẽ gây tác động lớn tới an ninh nguồn cung năng lượng và Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt là than.
“Tuy nhiên, có thể hạn chế sự phụ thuộc này bằng cách tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo trong nước”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Bà Aisma Vitina, Cố vấn kỹ thuật, Cơ quan năng lượng Đan Mạch cho biết, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện những chính sách hỗ trợ để đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển NLTT nhằm nâng tỉ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp khoảng 31% vào năm 2020, 32,3% vào năm 2030 và 44% vào năm 2050.
Cơ quan này cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể, gồm: Hình thành thị trường về năng lượng tái tạo; Có chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư; Đảm bảo phát triển năng lượng tái tạo thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo; Có cơ chế thanh toán bù trừ; Có chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho phát triển và sử dụng NLTT bao gồm ưu đãi về thuế (thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp) , ưu đãi về đất đai và các ưu tiên cho các nghiên cứu liên quan đến phát triển và sử dụng tài nguyên NLTT; Có chính sách bảo vệ môi trường mà cụ thể là phí môi trường cho nhiên liệu hóa thạch nhằm xây dựng Quỹ phát triển năng lượng bền vững.
Được biết, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2017 là báo cáo đầu tiên do Bộ Công Thương xây dựng và dự kiến tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 2 năm. Mục đích của báo cáo là đưa ra định hướng tổng quan cho ngành năng lượng, trong đó tập trung vào các kịch bản phát triển về điện lực trên cơ sở tiềm năng và chi phí của nguồn năng lượng sơ cấp, đồng thời xác định những thách thức chính của ngành trong trung hạn và dài hạn.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: “Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2017 là sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển năng lượng cũng như an ninh năng lượng của Việt Nam”.
Cũng trong sáng ngày 20/9, Bộ Công Thương đã có lễ kí kết với Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch với số vốn trên 3 triệu USD trong 3 lĩnh vực: Phát triển năng lượng bền vững; Tích hợp các dự án NLTT vào hệ thống điện hiện nay và Phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam có lượng carbon thấp.