![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng mong muốn Liên hợp quốc sẽ trở thành kênh thông tin dự báo về những xu hướng mới, khủng hoảng có thể xảy ra ở khu vực, quốc tế và tác động đối với Việt Nam. Ảnh: mof.gov.vn |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ ấn tượng với những thành tựu của Liên hợp quốc trong hợp tác với Việt Nam gần 50 năm qua. Liên hợp quốc là một trong những đối tác phát triển đầu tiên của Việt Nam trong vận động và tiếp nhận vốn ODA, từ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ đầu tiên tại Paris năm 1993 đến các chương trình, dự án nâng cao dinh dưỡng cho trẻ em của UNICEF, phát triển nông nghiệp của FAO, đến xây dựng Luật Doanh nghiệp, hệ thống đăng ký kinh doanh do UNDP, UNIDO hỗ trợ, xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh, vận động nguồn lực từ Quỹ Khí hậu xanh…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, giúp Việt Nam huy động và thực hiện nguồn viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, khoảng hơn 400 triệu USD cho mỗi chu kỳ hợp tác 5 năm. Những tài liệu tư vấn chính sách của Liên hợp quốc trên nhiều lĩnh vực quan trọng của ngành kế hoạch và đầu tư trước đây và ngành tài chính hiện nay như xây dựng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Chiến lược Tăng trưởng xanh, trong đó có tài chính xanh, tiếp tục là nguồn tham khảo hữu ích của Bộ Tài chính nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung trong xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong quý I/2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của cả thế giới, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020 - 2025. Song song với nỗ lực phục hồi kinh tế, sắp xếp bộ máy, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân, nỗ lực duy trì an sinh xã hội, không bỏ ai lại phía sau.
Trước những chuyển biến to lớn, nhanh chóng trong bối cảnh quốc tế, cả Việt Nam và hệ thống Liên hợp quốc đều đang ở thời điểm quan trọng. Việt Nam cũng đang nỗ lực không ngừng vươn tới một kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. “Trong quá trình này, chúng tôi luôn trân trọng các ý kiến đề xuất, tư vấn, kinh nghiệm quốc tế về định hướng, giải pháp đạt được các mục tiêu phát triển công bằng và bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Sau 80 năm hoạt động, Liên hợp quốc cũng đứng trước yêu cầu cần đẩy mạnh cải tổ hệ thống tổ chức với kỳ vọng xây dựng một thế hệ mới các tổ chức Liên hợp quốc tại cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cuộc gặp hôm nay cũng là một trong những cơ hội để cả hai tăng cường hợp tác, hướng tới một quan hệ đối tác hiệu quả hơn. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng, bà Pauline Tamesis sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc nói chung và hệ thống phát triển Liên hợp quốc nói riêng.
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: mof.gov.vn |
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng trao đổi với bà Pauline Tamesis một số trọng tâm trong hợp tác với hệ thống phát triển Liên hợp quốc trong thời gian tới. Bộ trưởng mong muốn Liên hợp quốc sẽ trở thành kênh thông tin dự báo về những xu hướng mới, khủng hoảng có thể xảy ra ở khu vực, quốc tế và tác động đối với Việt Nam.
Liên hợp quốc tăng cường tư vấn chính sách hỗ trợ Chính phủ Việt Nam điều hành hiệu quả kinh tế - xã hội, đặc biệt là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát huy tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa và tuần hoàn, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước và thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Đặc biệt, với việc thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Đảng, Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi cải cách hệ thống tài trợ cho phát triển, chú trọng hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các nước đang phát triển; việc tài trợ vốn gắn với tăng cường tri thức, nhân lực, tạo thuận lợi cho chuyển giao công nghệ. Bộ trưởng đề nghị bà Pauline Tamesis ủng hộ việc giao cho Việt Nam quyền sở hữu dữ liệu, công nghệ, tri thức, kết quả tạo ra từ các chương trình, dự án của các nhà tài trợ viện trợ cho Việt Nam thông qua các tổ chức Liên hợp quốc.
Hiện nay đang ở nửa sau của việc triển khai Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - Liên hợp quốc (CF) giai đoạn 2022 - 2026, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các tổ chức Liên hợp quốc khẩn trương tiến hành đánh giá hiệu quả các hoạt động đã triển khai và sớm xây dựng chiến lược chung cho giai đoạn tiếp theo, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc, tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác, cũng như phối hợp trong việc thực hiện hiệu quả cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cảm ơn sự ghi nhận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đối với những đóng góp của hệ thống Liên hợp quốc trong việc xúc tiến, huy động các nguồn lực để hỗ trợ quá trình, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như giúp thúc đẩy các ưu tiên đặc thù tại Việt Nam. Đồng thời, khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong hành trình đạt được mục tiêu đầy tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, bà Pauline Tamesis đồng tình với những nội dung trọng tâm mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã nêu và cho biết, đây cũng là tầm nhìn ưu tiên, định hướng hợp tác của Liên hợp quốc. Những lĩnh vực trọng tâm này đồng điệu với kế hoạch mà Liên hợp quốc đã, đang và sẽ triển khai như về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0, phát triển công bằng không bỏ ai lại phía sau… Bà Pauline Tamesis cho rằng, những chỉ đạo chiến lược và cam kết mạnh mẽ, những hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính sẽ mang lại động lực mới cho chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc.