Việt Nam nên sớm cải cách chính sách ưu đãi đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho rằng, Việt Nam nên sớm đưa ra tuyên bố về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cân nhắc cải cách hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư để có những ưu đãi thiết thực cho nhà đầu tư.
Việt Nam là “cứ địa” của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn của Hàn Quốc. Ảnh: Tường Lâm
Việt Nam là “cứ địa” của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn của Hàn Quốc. Ảnh: Tường Lâm
Ông Hong Sun

Ông Hong Sun

Xin ông cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá thế nào về việc Chính phủ Việt Nam yêu cầu các cơ quan có liên quan nghiên cứu và áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam?

Việc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đang nghiên cứu áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu là rất tích cực. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài.

Xin ông phân tích cụ thể về những lợi thế và bất lợi của Việt Nam khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu?

Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các DN đang được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế tại Việt Nam lo ngại rằng các ưu đãi đó không còn đem lại lợi ích. Do đó, các DN có thể cân nhắc dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia khác có chính sách thu hút đầu tư có lợi hơn. Chúng tôi đã nghe thông tin Việt Nam có thể áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 nhưng chưa biết chính xác.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam nên sớm đưa ra các tuyên bố hoặc văn bản pháp lý chính thức về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cách thức áp dụng (như có áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hay không) để nhà đầu tư có được thông tin kịp thời, nhằm thiết lập các hoạt động kinh doanh và chiến lược đầu tư dài hạn.

Thuế tối thiểu toàn cầu được đánh giá là "không thể không áp dụng", vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để vừa giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài vừa bảo đảm thực thi nội dung này?

Việt Nam là “cứ địa” của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn của Hàn Quốc như: Samsung, LG và các công ty con của các tập đoàn này hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là sản xuất điện tử.

Hầu hết các DN này đang được hưởng chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam như miễn, giảm thuế. Nhờ chính sách này mà các công ty, tập đoàn có động lực đầu tư và liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, kéo theo rất nhiều công ty vệ tinh trong chuỗi cung ứng. Ví dụ, Samsung và LG có mạng lưới công ty vệ tinh của ngành công nghiệp hỗ trợ cho điện tử rất lớn cùng với chuỗi cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, phụ tùng tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM và Hải Phòng.

Như đã nói ở trên, nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế sẽ không còn giá trị thu hút đầu tư nữa. Việt Nam nên cân nhắc cải cách hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư để đưa ra những chính sách có lợi hơn như ưu đãi dựa trên chi phí hoặc trợ cấp dựa trên chi phí. Ví dụ, Hàn Quốc vốn đã có các chính sách như: giảm trừ thuế đối với chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D tax credit); giảm trừ thuế đối với hoạt động đầu tư mở rộng (Investment tax credit); thúc đẩy phúc lợi cho nhân viên; cơ sở sản xuất an toàn; công nghệ động cơ thế hệ mới; trợ cấp cho các khoản đầu tư thực tế của DN như giảm trừ thuế đối với chi phí nhân công (Employment tax credit).

Đề xuất bù đắp cho nhà đầu tư nước ngoài bằng tiền mặt khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được cho là khó khả thi. Xin ông chia sẻ quan điểm về đề xuất này?

Hình thức ưu đãi bằng tiền đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, và đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư, cân nhắc hình thức ưu đãi mới thông qua trợ cấp trực tiếp bằng tiền hoặc khấu trừ thuế có thể hoàn lại đạt chuẩn (Qualified refundable tax credit) theo hướng dẫn của OECD. Chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể tìm ra giải pháp chính sách phù hợp để áp dụng các hình thức ưu đãi mới nêu trên nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do OECD khởi xướng. Theo đó, các DN có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhiều nước thành viên OECD tuyên bố sẽ thực hiện quy tắc thuế mới này từ đầu năm 2024.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) với 142 thành viên. Việt Nam đã tham gia và là thành viên thứ 100 của Diễn đàn BEPS từ năm 2017.

Tại Hàn Quốc, Luật về Trụ cột 2 được ban hành ngày 31/12/2022 và Hàn Quốc là quốc gia hoàn thành quy trình luật hóa sớm nhất về Trụ cột 2. Luật này dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2024. Theo đó, Hàn Quốc sẽ thực hiện thu thuế bổ sung đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên nếu tập đoàn đó có thực hiện đầu tư tại quốc gia có thuế suất hiệu quả thấp hơn 15%.

Tin cùng chuyên mục