Hai khối ngành khó khăn
Năm 2022, báo cáo tài chính của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.343 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 23,6% xuống 2.540,5 tỷ đồng.
Khai thác và cung cấp dịch vụ cảng biển tiếp tục là mảng đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu của VIMC khi thu về 7.469 tỷ đồng, chiếm 52,1% doanh thu thuần hợp nhất. Tuy nhiên, giá trị doanh thu đã giảm 12,7% so với năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng sụt giảm khiến nhu cầu vận chuyển giảm, các cảng biển chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các cảng mới. Phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết của VIMC cũng giảm mạnh từ 797 tỷ đồng năm 2021 còn 173 tỷ đồng năm 2022, chủ yếu do giảm lợi nhuận tại Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-PSA - công ty liên kết của VIMC.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, VIMC tiếp tục đặt mục tiêu sụt giảm so với năm liền trước. Theo lãnh đạo Tổng công ty, các chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm trong bối cảnh giá cước vận tải các tàu hàng rời, tàu container dự báo giảm mạnh so với năm 2022. Đối với khối cảng biển, áp lực cạnh tranh tiếp tục gay gắt khi nguồn hàng có nguy cơ sụt giảm và xuất khẩu có dấu hiệu chững lại từ cuối năm 2022. Trong khi đó, nhiều địa phương và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án đầu tư và xây dựng cảng biển.
Quý I/2023, doanh thu thuần hợp nhất của VIMC giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 485,1 tỷ đồng, giảm 23,5% so với quý I/2022.
Tiếp tục tái cơ cấu, trẻ hóa đội tàu
Theo Đề án Cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025, Tổng công ty sẽ tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực kinh doanh chính, gồm: cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics.
Đối với lĩnh vực vận tải biển, VIMC sẽ thanh lý 24 tàu với tổng trọng tải khoảng 617.000 DWT, đồng thời đầu tư 4 tàu container từ 1.700 - 2.200 TEU và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 DWT. Dự kiến đến năm 2025, đội tàu của VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. Riêng trong năm 2023, VIMC lên kế hoạch bán 9 tàu với tổng trọng tải 226.775 DWT, đồng thời sẽ đầu tư 2 tàu container tải trọng 1.700 - 2.200 TEU.
Đối với lĩnh vực cảng biển, Tổng công ty sẽ đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng, nâng cao khả năng khai thác cho các cảng hiện hữu cũng như đầu tư một số cảng mới như: xây dựng bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; đầu tư giai đoạn 2 Cảng VIMC Đình Vũ; đầu tư chiều sâu, nâng cao khả năng khai thác Cảng Tiên Sa; đầu tư nâng cấp mở rộng bến số 1 Cảng Quy Nhơn; hoàn thành Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; nghiên cứu, đề xuất triển khai Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn II…
Giai đoạn 2021 - 2025, VIMC dự kiến sẽ chấm dứt hoạt động đối với 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc; thoái, giảm vốn hoặc phát hành thêm cổ phiếu để giảm tỷ lệ vốn góp tại 7 doanh nghiệp; thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối tại 8 doanh nghiệp; chuyển thành công ty cổ phần (CTCP) đối với 4 doanh nghiệp.
Theo Dự thảo Đề án cơ cấu được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan trước đó, VIMC đề xuất giảm sở hữu vốn tại nhiều doanh nghiệp như: Cảng Cần Thơ, Cảng Cam Ranh, Cảng Quy Nhơn, Cảng Đà Nẵng, Cảng Cái Lân và Cảng Hải Phòng; đề xuất thoái vốn tại CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, CTCP Hàng hải Đông Đô, CTCP Vận tải biển Hải Âu, CTCP Vinalines Nha Trang, Công ty Liên doanh Khai thác container Việt Nam, CTCP Hàng hải Sài Gòn.
Báo cáo tài chính của VIMC cho biết, tính đến cuối quý I/2023, Tổng công ty phải trích lập dự phòng đầu tư vào 4 công ty con, 6 công ty liên kết. Một số công ty như CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, CTCP Hàng hải Đông Đô đang trong tình trạng thua lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thoái vốn tại doanh nghiệp.