Quý I/2022, doanh thu của VNPT EPAY đạt 1.045 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt 2,445 tỷ đồng, tăng 64%. Ảnh: Nhã Chi |
Liên tục giảm tỷ lệ sở hữu
VNPT EPAY được thành lập tháng 4/2008 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử, bao gồm: dịch vụ thanh toán qua mã thẻ trả trước, thanh toán qua SMS hay ngân hàng, các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng Internet. VNPT EPAY là một trong 9 đơn vị đầu tiên được cấp phép thí điểm dịch vụ trung gian thanh toán vào tháng 1/2016, cung cấp các giải pháp thanh toán điện tử hiện đại không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Năm 2016, Công ty có 2 cổ đông lớn là VNPT (sở hữu 35%) và một công ty có vốn góp của VNPT là Công ty CP Truyền thông VMG (sở hữu 62,25%). Tháng 5/2017, Truyền thông VMG đã bán toàn bộ cổ phần sở hữu tại VNPT EPAY cho Tập đoàn UTC Investment (Hàn Quốc). Thương vụ này giúp Truyền thông VMG thu về 519 tỷ đồng, gấp 7 lần giá vốn đầu tư (74,7 tỷ đồng).
Tháng 1/2019, VNPT EPAY thực hiện tăng vốn điều lệ lên 139,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, VNPT không tham gia dẫn đến tỷ lệ sở hữu tại VNPT EPAY giảm xuống còn 30,11%, còn cổ đông đến từ Hàn Quốc nâng tỷ lệ sở hữu lên 69,89%.
Sắp tới, VNPT EPAY sẽ chào bán 8,649 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:0,62, tức 1 cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền mua, 1 quyền mua sẽ được mua 0,62 cổ phần phát hành thêm. Thương vụ này có thể giúp Công ty tăng vốn điều lệ lên 225,99 tỷ đồng.
Tại lần tăng vốn này, VNPT tiếp tục không tham gia và sẽ bán đấu giá toàn bộ 4,2 triệu quyền mua với giá 2.105 đồng/quyền mua, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại VNPT EPAY xuống còn 18,5%.
Được biết, thông qua một đơn vị thành viên khác là Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), VNPT cũng đang tham gia lĩnh vực cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vào tháng 7/2017.
Doanh thu “khủng” và rủi ro tiềm tàng
Đặc thù của lĩnh vực trung gian thanh toán và kinh doanh thẻ cào là doanh số rất lớn nhưng biên lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thấp, thường chỉ rơi vào 1 - 1,5%.
Theo các báo cáo tài chính của VNPT EPAY, năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 2.873 tỷ đồng nhưng lỗ 9 tỷ đồng. Một năm sau đó, doanh thu của Công ty tăng trưởng tới 25% lên hơn 3.592 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2,7 tỷ đồng. Năm 2021, dù doanh thu của VNPT EPAY chỉ tăng trưởng thêm 0,4% lên 3.606 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế của Công ty lại tăng tới 5 lần lên 10 tỷ đồng.
Quý I/2022, kết quả kinh doanh của VNPT EPAY tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái với doanh thu đạt 1.045 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 2,445 tỷ đồng, tăng 64%.
VNPT EPAY thời điểm còn thuộc sở hữu của Truyền thông VMG từng là một trong những doanh nghiệp trung gian thanh toán trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng liên quan đến Phan Sào Nam. Theo kết luận tại Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2018/HS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ, VNPT EPAY đã thực hiện nâng khống 49 tờ hóa đơn với tổng giá trị 657 tỷ đồng và buộc phải nộp 51 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính vào ngân sách nhà nước. Số tiền này đã được VNPT EPAY nộp vào năm 2018.
Theo bản công bố thông tin về đợt chào bán quyền mua cổ phần sắp tới, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết thanh tra số 52426 ngày 7/12/2021 về việc thanh tra chấp hành pháp luật thuế giai đoạn 2017 - 2020 đối với VNPT EPAY. Tính đến thời điểm hiện tại, quá trình thanh tra vẫn chưa kết thúc và chưa có bản dự thảo biên bản kết luận về việc thanh tra từ Cục Thuế TP. Hà Nội.