Vốn nhà nước chỉ là “vốn mồi” cho đặc khu

(BĐT) - Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu) đang được các bộ, ngành thẩm định, cho ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp vào giữa tháng 5 tới. 
Với những chính sách cởi mở về thu hút đầu tư, Vân Đồn hiện đã thu hút được hơn 55.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân. Ảnh: Tiên Giang
Với những chính sách cởi mở về thu hút đầu tư, Vân Đồn hiện đã thu hút được hơn 55.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân. Ảnh: Tiên Giang

Lúc này, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước đầu tư ban đầu vào đặc khu đang là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất.

Nhà nước chủ yếu tạo cơ chế, chính sách đột phá

Khi các vấn đề liên quan đến mô hình chính quyền đặc khu gần như đã đi đến thống nhất, với phương án vẫn có HĐND và UBND, nhưng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, thì tại thời điểm này, một vấn đề đang được quan tâm hơn cả chính là các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, phát triển đặc khu.

Trong văn bản thẩm định gửi các bộ mới đây liên quan đến Dự thảo Luật, Bộ Tài chính đặc biệt nhấn mạnh con số 1,57 triệu tỷ đồng dự kiến cần huy động để đầu tư cho 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Trong đó, 270.000 tỷ đồng dành cho đặc khu Vân Đồn trong giai đoạn 2018 - 2030; 400.000 tỷ đồng dành cho đặc khu Bắc Vân Phong trong giai đoạn 2019 - 2025; và 900.000 tỷ đồng cho Phú Quốc trong giai đoạn 2016 - 2030.

Những con số nêu trên khiến nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý không khỏi bất ngờ. Bởi trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 tối đa chỉ hơn 2 triệu tỷ đồng, thì việc rót một khoản đầu tư khổng lồ vào 3 địa phương này có thực sự cần thiết và nếu đầu tư thì hiệu quả có được như kỳ vọng?

Lý giải cho sự băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, con số hơn 1 triệu tỷ đồng nói trên là tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội của cả 3 đặc khu và ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần không nhiều trong số này. Hiện tại, Vân Đồn đề xuất ngân sách hỗ trợ 10%, Phú Quốc 19%, Bắc Vân Phong hơn 30% và các đề xuất này vẫn đang trong quá trình xem xét, chứ chưa quyết định.

Thực tế, với quyết tâm xây dựng đặc khu, ngay từ những ngày đầu đã có những địa phương bày tỏ rõ ràng quan điểm là sẽ không đòi hỏi nhiều hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trong đó, điển hình là Vân Đồn với phương châm: Đặc khu chỉ cần cơ chế, chính sách thực sự đột phá, còn địa phương sẽ chủ động kêu gọi đầu tư. Và thực tế, với những chính sách cởi mở về thu hút đầu tư, hiện tại, dù cơ chế, chính sách cho đặc khu chưa “thành hình”, nhưng Vân Đồn đã thu hút được hơn 55.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân, với những dự án quy mô tầm cỡ, mang tính động lực trong phát triển cho cả khu vực. Đề xuất 10% vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của Vân Đồn dự kiến chỉ sử dụng cho giải phóng mặt bằng. 

Gia tăng đáng kể nguồn thu từ thuế, phí

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, điểm mấu chốt tạo đột phá trong phát triển đặc khu là Nhà nước phải bỏ tiền ra để phát triển kết cấu hạ tầng, làm nền tảng thu hút đầu tư tư nhân. 3 đặc khu trong tương lai sẽ cần nguồn vốn đầu tư khá lớn để phát triển lĩnh vực trọng yếu này. Song song với đó là hoàn thiện hệ thống luật pháp, phát triển đô thị, không gian vùng. “Việc đầu tư này rất cần thiết và có tính chất quyết định, tạo “cú hích” cho sự phát triển khi có thể hút được một khoản đầu tư cực lớn trên một diện tích đầu tư cực nhỏ. Đó cũng chính là lợi ích lớn nhất có được từ dòng “vốn mồi” của Nhà nước”, ông Thiên nhấn mạnh.

Quan điểm vốn ngân sách nhà nước rót vào đặc khu sẽ chỉ là “vốn mồi” cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật. “Khi thành lập đặc khu, Nhà nước không đi đầu tư, mà tạo ra một không gian đầu tư và một thể chế cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu chúng ta không đầu tư ban đầu thì rất khó hình thành một cơ sở hạ tầng toàn diện. Tuy nhiên, việc đầu tư của Nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, như vốn mồi, chứ Nhà nước không đi đầu tư” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hiện tại, theo tính toán, những khoản đầu tư ban đầu của Nhà nước nếu được thực hiện có thể tạo ra những “cú hích” tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tại các đặc khu. Điều đáng quan tâm nhất là nguồn thu cho ngân sách nhà nước, cụ thể là các nguồn thu từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, dự báo sẽ gia tăng đáng kể sau khi 3 đặc khu đi vào hoạt động. Trong đó, tại Phú Quốc, Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất. Tại Vân Đồn, thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Còn tại Bắc Vân Phong, số thu của Nhà nước ước khoảng 1,2 tỷ USD và 1 tỷ USD.

Riêng với các ưu đãi về thuế, phí tại đặc khu, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, với nội dung chính là giảm và gỡ bỏ hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu. Những ưu đãi về thuế, phí vào 3 đặc khu của Việt Nam thực tế không có gì đặc biệt so với các nước. Do đó, để đặc khu thực sự phát triển đột phá, mang lại hiệu quả như mong đợi thì Chính phủ và các địa phương cần phải có những chuyển đổi mạnh mẽ về thể chế kinh tế. Đó mới là yếu tố tiên quyết để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào đặc khu.