Nhà ga T2 góp phần đưa Nội Bài lọt vào danh sách 30 sân bay tốt nhất châu Á. Ảnh: Đức Thanh |
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada đã thay mặt Chính phủ hai nước ký Công hàm trao đổi vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam đợt 1 tài khóa 2015 có trị giá 95,167 tỷ yên.
Số vốn này được dành triển khai 4 dự án, trong đó có 3 dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi) trị giá 30 tỷ yên; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Cảng quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện) bao gồm phần hạ tầng cảng trị giá 32,287 tỷ yên và phần cầu, đường trị giá 22,88 tỷ yên.
Phát biểu sau Lễ ký, Đại sứ Hiroshi Fukada nhấn mạnh, thông qua khoản ODA này, Nhật Bản muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.
Với lễ ký này, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia đứng đầu về hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam. Tổng cam kết ODA (bao gồm viện trợ không hoàn lại và ODA vốn vay) cùa Chính phủ Nhật Bản dành cho Chính phủ Việt Nam từ 1992 đến nay đã đạt con số kỷ lục - 2.600 tỷ yên.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số kết thúc của năm tài khóa 2015. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 hồi tháng 11/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc tiếp tục viện trợ ODA trị giá 172 tỷ yên, nâng tổng mức ODA Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam trong năm 2015 lên mức 300 tỷ yên.
Số tiền này được sử dụng tài trợ cho 3 dự án là Dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 01 (Bến Thành - Suối Tiên), Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Dự án cải tạo môi trường nước TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, hai bên còn rất nhiều việc phải làm để kịp hoàn thiện, tiến tới ký kết Công hàm trao đổi ODA vốn vay ngay trước 31/3/2016 - thời điểm kết thúc năm tài khóa 2015.
Có thể thấy, với động thái này, niềm tin giữa hai quốc gia đã được tái khẳng định sau những sóng gió trong hợp tác ODA giữa Việt Nam và Nhật Bản, khi Chủ tịch Công ty Tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) thừa nhận công ty đã phải “lại quả” cho quan chức Việt Nam để đổi lấy một gói thầu trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Vụ việc khiến quá trình giải ngân vốn bị đình trệ một thời gian, khiến ODA Nhật Bản cấp cho Việt Nam năm 2014 xuống còn 100 tỷ yên - mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Sau khi Việt Nam xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm, ngăn chặn tiêu cực, Nhật Bản đã tăng mức hỗ trợ ODA vốn vay cho Việt Nam trong năm 2015, trong đó phần lớn là dành cho các dự án xây dựng hạ tầng và giao thông vận tải.
“Để tiếp tục tiến hành thực hiện những dự án viện trợ ODA của Nhật Bản một cách hiệu quả, Việt Nam và Nhật Bản cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa không chỉ trong vốn vay mà trong cả quá trình thực hiện các dự án, như chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… Tôi mong rằng, các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản sẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển của Việt Nam và tình hữu nghị giữa hai nước”, Đại sứ Hiroshi Fukada nhấn mạnh.
Có thể thấy, dấu ấn Nhật Bản đã gần như phủ sóng ở tất cả công trình hạ tầng, giao thông lớn của Việt Nam. Điểm lại, có thể thấy, các công trình hạ tầng, giao thông - vận tải có sử dụng vốn ODA Nhật Bản đã hoàn thành đều đang phát huy tốt vai trò kết nối các khu vực kinh tế trong nước cũng như kết nối nền kinh tế Việt Nam với các quốc gia khác. Có thể kể tới cầu Cần Thơ, cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)…
Riêng Nhà ga T2 sau khi đi vào sử dụng không chỉ giúp giảm tải cho Nhà ga T1, mà còn góp phần đưa sân bay Nội Bài lọt vào danh sách 30 sân bay tốt nhất châu Á, theo kết quả một cuộc bình chọn trên trang The Guide to Sleeping in Airports hồi tháng 10/2015.
Đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đầy biến động trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng giảm 2 quý liên tiếp, việc tiếp tục tăng ODA cho Việt Nam trong năm này chứng tỏ thực tâm “mong muốn là đối tác tốt nhất của Việt Nam” như lời Đại sứ Hiroshi Fukada phát biểu.