Đất trời Hà Giang bắt đầu bừng tỉnh sau những ngày đông giá rét. Nắng hồng mời gọi xuân về và len lỏi vào từng ngọn cây, mái nhà của các tộc người Lô Lô, Mán. Dao, Mông… Những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ của chàng trai, cô gái dân tộc xuống đường du xuân hòa sắc cùng màu đỏ, hồng ấm áp của hoa gạo, hoa đào; màu bạc lấp lánh cùng màu trắng hoa mận; màu vàng của hoa cải, hoa cúc… nổi bật trên nền đá xám; chạy dọc theo những con đường, trên những ngọn núi, dưới thung lũng, bên những hàng rào đá. Một dải biên thùy thẳm xanh, tình tứ mà e ấp như bức tranh tràn đầy nhựa sống cùng nhạc điệu của gió núi cứ ngân nga bất tận.
Với bạt ngàn diện tích là đá. Ở đây có lẽ ngoài sắc hoa, chỉ có thêm những hạt ngô ủ sương đêm gặp nắng xuân là có thể cựa mình trong hốc đá, để có thể nảy chồi non xanh tơ. Cây ngô ở đây như biểu tượng của sức sống bền bỉ, mãnh liệt; luôn sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ, giúp điểm những chấm xanh non trên miền đá xám khô hạn. Cuộc sống gắn liền với đá, với thiên nhiên khắc nghiệt. Vậy nên nhạc sỹ Trùng Thương, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã phải thốt lên trong một bài hát “Sống trên đá, chết vùi trong đá"…
Trong một góc nhỏ, dưới mái ngôi nhà trình tường rêu phong, nằm chon von lưng chừng núi đá, giữa sù sụ áo khăn chống rét biên thùy, bà Và Thị Thành đang tất bật chuẩn bị đón Tết và khoe sẽ mổ hẳn con lợn hơn một tạ. Ông Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải cho hay, 95 hộ dân trong thôn thuộc xã Lũng Cú nơi địa đầu Tổ quốc này, Tết năm nay nhà nào cũng đầy ắp thịt gác bếp, rượu ngô men lá.
Từ Lũng Cú, về Phố Cáo cũng thấy rộn ràng không khí Xuân. Tuy trải qua một năm nhiều biến động của thời tiết, diện tích đất nông nghiệp có hạn nhưng với sự chủ động, cần cù xã Phố Cáo đã linh hoạt chuyển đổi cây trồng thành công với trên 460 ha rau đậu, đỗ tương, rau cải. Vàng Chá Thào, Bí thư Đảng ủy Xã khẳng định, dân Phố Cáo đã ổn định cuộc sống. Nhà nhà thóc đầy bồ, ngô treo, thịt gác bếp…, tất cả như báo hiệu một mùa no ấm.
Trung tâm thị trấn Đồng Văn, trên những dãy phố cũ, thềm đá và những cây cột đá ám khói mèn mén, khói thắng cố cũng đã thấy nghi ngút bốc lên như bao phiên chợ Xuân, rượu ngô men lá cũng đã thấy âm vang trong những câu chúc tụng một năm mới an lành. Và cũng đã thấy ánh đèn lồng rực đỏ được đốt lên bên hiên những mái nhà cong nghiêng của cả trăm năm sử núi.
Giàng A Phẩn đang mê say trình diễn những điệu khèn Mông trước cổng chợ Đồng Văn. Tiếng khèn ấy, réo rắt như nước từ trên nóc núi chảy xuống thung Thèn Pả, như tiếng gió rào rạt chơi cút bắt trên những đỉnh rừng, không chỉ điểm tô, làm sáng cho cả phố núi, mà còn giúp cho khán giả xung quanh được đắm mình trong không gian văn hóa nguyên bản, cổ sơ của một tộc quần nơi biên ải.
Không chỉ Lũng Cú, Phố Cáo, khi về với Khuổi Phạt, nơi có tới trên hai nghìn người Cờ Lao, giữa lất phất mưa xuân, cũng sẽ thấy những nét tâm linh hiện hữu trong lễ cúng thần núi, thần thổ địa với mong muốn một năm mới làm ăn thuận lợi, bình an…
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Mai Tường Hướng cho hay, với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là bà con các dân tộc thiểu số, trải qua các thế hệ đã chung sức chung lòng làm nên một bản sắc văn hóa đặc trưng của người Hà Giang.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Nguyễn Trung Ngọc thì khẳng định, Đồng Văn đã tập trung phát triển hạ tầng du lịch gắn với Quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá, có cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư vào hệ thống khách sạn, nhà hàng. Toàn Huyện hiện có trên 300 phòng nghỉ lưu trú... Vậy nên đến với Cao nguyên đá Đồng Văn xuân này và những xuân sau nữa, cũng chẳng sợ... thiếu nơi ăn, chỗ ngủ.