Vũ khí hóa học, lá bài răn đe nguy hiểm của Triều Tiên

Triều Tiên sở hữu nhiều loại vũ khí hóa học, đủ khả năng tạo lợi thế chiến thuật và loại bỏ ưu thế của không quân Mỹ-Hàn.

Lính Mỹ huấn luyện phản ứng với vũ khí hạt nhân và hóa học.

Trong trường hợp xung đột quân sự bùng phát trên bán đảo Triều Tiên, vũ khí hóa học nhiều khả năng sẽ giúp Bình Nhưỡng chiếm lợi thế chiến trường, vô hiệu hóa sức mạnh không quân của Washington và Seoul, theo National Interest.

Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng Triều Tiên sở hữu kho đạn pháo và tên lửa khổng lồ, cho phép nước này dễ dàng triển khai vũ khí hóa học, trong khi Mỹ và Hàn Quốc không có cách loại bỏ chúng khi chiến sự nổ ra.

Vũ khí hóa học sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến tranh thông thường. Quân đội Triều Tiên thường xuyên huấn luyện tác chiến trong môi trường nhiễm độc hóa học, các nhà máy nước này đã tự sản xuất khí tài phòng hóa, một số từng được sử dụng tại Syria.

Nhiều khả năng vũ khí hóa học sẽ được dùng để chế áp lực lượng đối phương. Binh sĩ thường bị hạn chế khả năng chiến đấu khi mặc đồ phòng hóa, trong khi tuyến phòng thủ buộc phải phân tán, giãn cách để hạn chế tác động của vũ khí hóa học. Điều này giúp quân đội Triều Tiên cô lập, tấn công từng khu vực gần biên giới.

Do tính khó lường trên chiến trường, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tung ra đòn phủ đầu bằng vũ khí hóa học sớm nhất có thể. Càng tham chiến lâu, nguy cơ phản tác dụng của vũ khí hóa học càng tăng cao.

Bình Nhưỡng sở hữu nhiều loại hóa chất khiến đối phương bị tê liệt tạm thời cho đến tử vong, nhằm phục vụ từng nhiệm vụ cụ thể. Hồi năm 2012, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính Triều Tiên có 2.500-5.000 tấn chất độc hóa học. Sản lượng chất độc hóa học nước này sản xuất hàng năm ước tính đạt 4.500 tấn trong thời bình và 12.000 tấn trong thời chiến.

Vũ khí hóa học của Triều Tiên thuộc 5 loại cơ bản, gồm chống bạo loạn, gây nghẹt thở, hóa chất ăn theo đường máu, gây loét da và chất độc thần kinh. Nước này sở hữu các khí độc như Clo và Phosgene, khí mù tạt, chất gây bỏng da và các chất độc thần kinh như sarin, soman, tabun, VM và VX.

Vũ khí hóa học, lá bài răn đe nguy hiểm của Triều Tiên ảnh 1

Các cơ sở vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. Đồ họa:Indian Defence Review.

Bình Nhưỡng có nhiều cách triển khai vũ khí hóa học như lắp trên tên lửa tầm xa hoặc sử dụng lực lượng đặc nhiệm. Do không gian chiến trường tương đối ngắn, trong đó khoảng cách từ khu vực phía tây giáp Trung Quốc đến cực nam Hàn Quốc chưa tới 804 km, pháo phản lực và tên lửa sẽ là mũi tấn công hóa học chủ lực.

Hồi năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính Triều Tiên biên chế gần 100 bệ phóng tên lửa tầm ngắn gồm mẫu KN-02 có tầm bắn 121 km, cùng nhiều phiên bản Scud đạt tầm bắn tối đa 297-1.000 km. Triều Tiên bố trí cả hai loại tên lửa này ở sát biên giới hai miền. Bên cạnh đó là gần 50 bệ phóng tên lửa No Dong với tầm bắn 1.287 km để tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản.

Pháo binh vẫn là hệ thống có thể phóng nhiều đầu đạn hóa học nhất tới Hàn Quốc. Bình Nhưỡng sở hữu 5.100 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt và 4.400 pháo tự hành. Hầu hết trong số này là pháo phản lực cỡ nòng 122 mm và pháo chiến trường 152 mm trở lên với đầu đạn và tầm bắn lớn.

Không quân Triều Tiên cũng có thể tấn công liên quân Mỹ - Hàn bằng 18 tiêm kích Su-7BMK và 32 cường kích Su-25 trang bị bom, tên lửa mang đầu đạn hóa học. Bình Nhưỡng còn đào tạo lượng lớn lính đặc nhiệm cho nhiệm vụ này, với khả năng mang vũ khí hóa học vào sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc.

Mục tiêu hàng đầu sẽ là binh sĩ Hàn Quốc dọc biên giới. Việc tấn công bằng chất độc hóa học sẽ hỗ trợ bộ binh Triều Tiên tấn công, xuyên thủng phòng tuyến tại khu phi quân sự và tiến về Seoul.

Vũ khí hóa học, lá bài răn đe nguy hiểm của Triều Tiên ảnh 2

Binh sĩ Hàn Quốc ở biên giới sẽ là mục tiêu đầu tiên. Ảnh:National Interest.

Các căn cứ không quân cũng là mục tiêu quan trọng, giúp vô hiệu hóa lợi thế lớn của không quân Mỹ và Hàn Quốc. Nhiều khả năng tên lửa Triều Tiên sẽ tập trung tấn công căn cứ không quân Daegu, nơi phi đội F-15K tối tân của Hàn Quốc đóng quân, hay các căn cứ Mỹ ở Kunsan và Osan. Các cảng biển như Busan cũng trở thành mục tiêu, bởi đây là nơi lực lượng tăng cường của Mỹ sẽ đổ bộ.

Những căn cứ Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương cũng nằm trong tầm tấn công của vũ khí hóa học Triều Tiên. Một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân Kadena, Misawa, Yokoto ở Nhật Bản hoặc đảo Guam sẽ ngăn Mỹ triển khai lực lượng đến bản đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia quân sự cho rằng kịch bản Triều Tiên sử dụng vũ khí hóa học để tấn công phủ đầu Mỹ - Hàn rất khó xảy ra, bởi nó sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường cho sự tồn tại của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, kho vũ khí hóa học vẫn là quân bài lợi hại mà Bình Nhưỡng có thể sử dụng để răn đe Washington và Seoul.

Tin cùng chuyên mục