Vũ khí phi hạt nhân Nga mạnh hơn cả siêu bom của Mỹ

Với sức công phá gấp 4 lần bom GBU-43 Mỹ vừa thả xuống Afghanistan, bom nhiệt áp AVBPM của Nga được coi là vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới.

 Nga thử nghiệm "Cha của mọi loại bom"

Không quân Mỹ ngày 13/4 thả một quả bom GBU-43, được mệnh danh là "Mẹ của các loại bom" (MOAB), tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ẩn nấp trong các hang động ở vùng núi Nangahar, miền đông Afghanistan.

Trong những năm đầu thập niên 2000, GBU-43 trở thành niềm tự hào của không quân Mỹ, được coi là vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất thế giới với khoảng 8,5 tấn thuốc nổ trong mỗi quả, tạo ra sức nổ tương đương 11 tấn TNT.

Tuy nhiên, không lâu sau khi Lầu Năm Góc thử nghiệm MOAB, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt áp siêu lớn (AVBPM), còn gọi là "Cha của các loại bom" (FOAB), được cho là đối thủ của MOAB, theo Inverse.

Giới chức quốc phòng Nga tuyên bố "Cha của các loại bom" có sức công phá tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT, cao hơn 4 lần so với "Mẹ của các loại bom". Bán kính hủy diệt của FOAB là khoảng 300 m, gấp đôi bán kính 150 m của GBU-43. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Graham Templeton cho rằng các thông số này chưa từng được kiểm chứng ngoài thực tế.

Bom FOAB có sức công phá lớn như vậy nhờ sử dụng công nghệ nhiệp áp. Công nghệ này sử dụng không khí xung quanh tâm nổ để kích hoạt phản ứng nhiên liệu, thay vì đưa chất oxy hóa vào nhiên liệu hỗn hợp của bom. Việc không phải nhồi thêm chất oxy hóa giúp bom có thêm không gian để chứa nhiều thuốc nổ hơn, tạo ra sóng xung kích siêu mạnh, siêu nóng có thể làm bốc hơi mọi thứ xung quanh tâm nổ.

Bom FAOB có cơ chế kích nổ hai giai đoạn. Đầu nổ đặc biệt nhỏ hơn sẽ được kích hoạt trước, phát tán nhiên liệu dễ cháy ra xung quanh theo hình đám mây để hòa trộn với không khí. Sau đó khối thuốc nổ đặc biệt nặng hơn 7 tấn được kích hoạt, đốt cháy gần như toàn bộ không khí xung quanh, tạo nên quả cầu lửa lớn cùng cơn sóng xung kích cực mạnh.

Sóng xung kích được tạo ra từ một quả bom nhiệt áp phát nổ trên không lan xa hơn nhiều so với một vụ nổ thông thường. Việc đốt cháy không khí trong vụ nổ cũng tạo khoảng chân không riêng, tăng đáng kể thiệt hại và sát thương.

Quả bom thả từ oanh tạc cơ Tu-160. Ảnh:Business Insider.

Ngày 11/9/2007, một oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 Nga đã thả phiên bản thử nghiệm bom FAOB  xuống một bãi thử. "Sức hủy diệt chủ yếu do sóng xung kích siêu âm và nhiệt độ cực cao gây ra, khiến mọi sinh vật sống đều bị bốc hơi", báo cáo sau vụ thử nghiệm đánh giá.

Đại tướng Alexander Rushkin, Phó tham mưu trưởng quân đội Nga cho biết FOAB có kích thước nhỏ hơn so với MOAB, nhưng nó có uy lực mạnh hơn, vì nhiệt độ trung tâm vụ nổ lớn gấp hai lần bom Mỹ, đạt sức công phá tương đương vũ khí hạt nhân chiến thuật. Cho đến nay, loại bom này chưa từng được triển khai trong thực chiến.

"Nga có lịch sử phát triển vũ khí nhiệt áp lâu dài và đã được kiểm chứng. Bom AVBPM sẽ tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự phi hạt nhân của nước này", Robert Hewson, tổng biên tập tạp chí quốc phòng Jane's, nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục