Vướng nợ khó đòi, doanh nghiệp nhà nước dự phòng trên 15.700 tỷ đồng

(BĐT) - Chính phủ vừa có Báo cáo trình Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2015, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Đứng đầu bảng danh sách nợ phải thu khó đòi của DNNN là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với 2.150 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Đứng đầu bảng danh sách nợ phải thu khó đòi của DNNN là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với 2.150 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Báo cáo đã cung cấp nhiều con số thú vị về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tình hình đầu tư, sử dụng vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nói chung. Những con số từ lâu vẫn nằm trong bóng tối nay được thống kê và đưa ra tương đối đầy đủ. 

Báo động nợ phải thu/phải trả

DNNN được định nghĩa là doanh nghiệp do Nhà nước đại diện nắm giữ 100% vốn mà không có sự tham gia của thành phần kinh tế nào khác. Một điều đáng lo ngại trong tình hình kinh doanh của các DNNN năm 2015 là quy mô các khoản nợ phải thu, phải trả có xu hướng tăng mạnh so với năm 2014.

Với nợ phải thu, báo cáo hợp nhất của các DNNN có tổng các khoản phải thu là 338.327 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2014. Nợ phải thu là một khoản mục không thể tránh khỏi trong quá trình hoạt động kinh doanh, có tác dụng kích thích doanh thu của doanh nghiệp. Thế nhưng, tốc độ tăng nợ phải thu khó đòi trở nên đáng lo ngại khi ở mức 11%, cao hơn hẳn so với tốc độ tăng nợ phải thu. Tính đến cuối năm 2015, nợ phải thu khó đòi của các doanh nghiệp này là 16.715 tỷ đồng.

Điểm đáng ghi nhận ở đây là các DNNN đã trích lập dự phòng 15.716 tỷ đồng, tương đương 94% nợ phải thu khó đòi. Tất nhiên, việc trích lập dự phòng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này đã “lạm” vào lợi nhuận một con số tương đương, tính đến cuối năm 2015. Một cách tương đối, nếu quản lý tốt các khoản phải thu, các doanh nghiệp này có thể tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên một con số tương đương. Là DNNN, khoản lợi nhuận này sẽ thuộc Nhà nước. Tuy nhiên đấy chỉ là giả định…

Đứng đầu bảng danh sách nợ phải thu khó đòi là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) với số dư lên tới 6.785 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT (1.344 tỷ đồng), Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel (972 tỷ đồng).

Đơn cử như PVN, riêng công ty mẹ của tập đoàn này đã chiếm tới 2.150 tỷ đồng các khoản phải thu khó đòi, trong khi con số đầu năm chỉ ở mức 446 tỷ đồng. Không đưa ra chi tiết, báo cáo của PVN cho thấy đó là các khoản phải thu ủy thác đầu tư và phải thu khác. Công ty con của PVN là Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cũng tồn đọng gần 2.100 tỷ đồng các khoản phải thu, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) chiếm 922 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất là 898 tỷ đồng, Công ty CP PVI là 720 tỷ đồng.

Nợ vay ngắn và dài hạn của các DNNN từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là 355.819 tỷ đồng, tăng 3% so với 2014. Nợ nước ngoài là 348.189 tỷ đồng, trong đó chỉ có 37,3% là tự vay tự trả cùng các hình thức huy động khác, còn lại là được Chính phủ bảo lãnh hoặc vay gián tiếp ODA từ Chính phủ. Rõ ràng, dù thế nào đi nữa thì DNNN cũng có những lợi thế nhất định trong kinh doanh. 

Kết quả kinh doanh khiêm tốn

Có 4 DNNN phát sinh lỗ năm 2015 với tổng số lỗ phát sinh 280 tỷ đồng. Trong đó riêng Tổng công ty 15 - Bộ Quốc Phòng lỗ 186 tỷ đồng.
Trong khi nợ phải thu, phải trả có xu hướng tăng mạnh, kết quả kinh doanh của khu vực DNNN lại tương đối khiêm tốn, bất chấp sự hỗ trợ từ Nhà nước và những ưu thế sẵn có về quy mô, quan hệ… Thống kê cho thấy, lợi nhuận trước thuế của DNNN năm 2015 đạt 150.355 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2014. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao nhất thuộc về Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đạt 76%, Công ty TNHH MTV Xổ số Bến Tre đạt 56%, Mobifone đạt 46%...

Có 4 DNNN phát sinh lỗ năm 2015 với tổng số lỗ phát sinh 280 tỷ đồng. Trong đó riêng Tổng công ty 15 - Bộ Quốc Phòng lỗ 186 tỷ đồng.

Tuy hầu hết có lãi, vẫn còn 14 DNNN chưa khắc phục hết lỗ lũy kế tổng cộng 6.165 tỷ đồng. Riêng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chiếm tới 3.346 tỷ đồng lỗ lũy kế. Riêng khoản lỗ lũy kế của Vinalines, đầu năm 2015 vẫn ở mức 19.200 tỷ đồng. Trong năm 2015, Tổng công ty lỗ ròng 22 tỷ đồng. Mức sụt giảm thần kỳ của khoản lỗ lũy kế, đến nay vẫn là một dấu hỏi. Có ý kiến cho rằng Vinalines đã loại bỏ các khoản lỗ khổng lồ từ các công ty con nhờ các “biện pháp kỹ thuật”. Vinafood 2 tính đến cuối năm 2015 vẫn lỗ lũy kế 1.063 tỷ đồng, Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng lỗ 718 tỷ đồng…

Nếu lấy con số so sánh với các DNNN đã cổ phần hóa trong năm 2015, có thể thấy rõ hiệu quả khác biệt. Thống kê cho thấy các công ty cổ phần mặc dù doanh thu giảm 11%, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế đạt được14.677 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2014. Quy mô lợi nhuận còn nhỏ, nhưng xu hướng tăng trưởng lợi nhuận nói lên hiệu quả đáng nể của việc cổ phần hóa DNNN.

Tin cùng chuyên mục