Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, Generalexim ghi nhận mức lỗ ròng 15,32 tỷ đồng |
Không tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi
Tiền thân của Generalexim là Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp I trực thuộc Bộ Thương mại, thành lập năm 1981. Công ty được chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2005 với hoạt động chính là thương mại, sản xuất, gia công chế biến. Tuy nhiên, lựa chọn sai con đường cũng như chiến lược phát triển đã khiến cho Công ty gánh chịu những khoản thua lỗ lớn chỉ trong vòng 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2015, Generalexim ghi nhận lỗ ròng 134,38 tỷ đồng, năm 2016 âm 133,74 tỷ đồng và năm 2017 tiếp tục âm 142 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính tạo nên các khoản thua lỗ lớn này chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng khoản nợ khó đòi. Chỉ trong vòng 3 năm, Công ty đã thực hiện trích lập 331,37 tỷ đồng nợ xấu tại: Công ty CP Kim loại Việt Nam (23,93 tỷ đồng); Công ty CP Thực phẩm C.M.T (35,95 tỷ đồng); Doanh nghiệp tư nhân Trung Thành (54,58 tỷ đồng); Công ty TNHH Thanh Phát HQ (81,83 tỷ đồng); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phước Tiếng (35,63 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, dòng tiền của Công ty thay vì đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chính thì lại tập trung vào hoạt động mua bán chứng khoán ngắn hạn. Không có đủ nghiệp vụ cũng như chuyên môn đã khiến cho Công ty ghi nhận các khoản lỗ trong hoạt động tài chính đến từ việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư hay chi phí lãi vay trong kỳ.
6 tháng đầu năm 2018, bức tranh tài chính cũng như kết quả kinh doanh của Generalexim tiếp tục bi đát. Công ty ghi nhận doanh thu chỉ còn 42,26 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Mức doanh thu này không đủ để bù đắp các chi phí hoạt động, vận hành doanh nghiệp trong kỳ. Chỉ riêng quý II/2018, Công ty tiếp tục lỗ 13,11 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, Generalexim ghi nhận mức lỗ ròng 15,32 tỷ đồng và mức lỗ lũy kế lên đến 291,96 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm 30/6/2018 là âm 108,22 tỷ đồng.
Mất cân đối tài chính trầm trọng
Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn trên 233 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính là 291,96 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 108,22 tỷ đồng và toàn bộ các khoản vay vốn của ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ không có khả năng thu hồi tăng lên khiến cho Generalexim đối mặt với nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục trong tương lai.
Tính đến ngày 30/6/2018, TH1 đang vay ngắn hạn 651,85 tỷ đồng, trong đó gần 50% là vay vốn tại Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Hà Nội với tài sản bảo đảm là lợi thế thương mại đối với quyền sử dụng 453,9 m2 đất thuê và tài sản hình thành trong tương lai tại số 7 Triệu Việt Vương, phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các khoản vay còn lại theo dạng tín chấp, bảo đảm bằng doanh thu chuyển về từ hợp đồng kinh tế. Riêng khoản vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì được bảo đảm bằng tài sản gắn liền với đất tại quận Hải An, TP. Hải Phòng; xe Audi A6; xe Camry và quyền vận hành khu thương mại và văn phòng cho thuê tại 130 Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội.
Nếu như không có phương án tài chính xử lý các khoản nợ thì nhiều khả năng Công ty sẽ đối mặt với tình trạng bị các ngân hàng siết tài sản để cấn trừ công nợ.