Vượt khó, doanh nghiệp trông chờ thị trường phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kể từ quý IV/2022 đến nay, cầu thế giới suy giảm đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong 2 tháng đầu năm 2023, đơn hàng của nhiều ngành hàng XK chủ lực nước ta đã sụt giảm lên mức hai con số. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều DN đã có những bước chuyển linh hoạt, sáng tạo để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng đón sóng phục hồi…
Nhiều dự báo cho rằng, nhu cầu của thị trường thế giới sẽ ấm lên trong nửa cuối năm, mở ra những cơ hội tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh minh họa: ND
Nhiều dự báo cho rằng, nhu cầu của thị trường thế giới sẽ ấm lên trong nửa cuối năm, mở ra những cơ hội tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh minh họa: ND

Xoay sở trong khó khăn bủa vây

Dệt may là một trong những ngành hàng XK lớn của Việt Nam, tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tại nhiều thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ… suy giảm, đơn hàng của các DN trong ngành cũng trở nên thưa thớt.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại các thị trường XK chính có dấu hiệu kém khả quan từ tháng 10/2022, có thể kéo dài đến hết quý I và thậm chí là quý II/2023, báo hiệu tiếp một mùa khó khăn cho các DN dệt may Việt Nam.

Để đối phó với những diễn biến bất lợi của thị trường, ông Việt cho biết, May 10 luôn tìm cách đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, đặc biệt là chú trọng khai thác thị trường trong nước, sản xuất xanh… để chờ đợi sự phục hồi của thị trường.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong những tháng đầu năm 2023, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Với ngành may, phần lớn các đơn vị mới có đơn hàng hết tháng 2/2023. Đơn hàng các tháng sau rất thấp và có xu hướng nhỏ lẻ, cạnh tranh cao. Thị trường sợi vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn tìm cách duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là chuẩn bị các giải pháp để nắm bắt cơ hội thị trường trong thời gian tới.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tình hình đơn hàng của các DN gỗ trong 2 tháng đầu năm nay khó khăn hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 2 tháng đầu năm, trị giá XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá XK sản phẩm gỗ ước đạt 982 triệu USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tháng 2/2023, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Giá trị XK nhóm hàng nông, thủy sản giảm 15,1% so với cùng kỳ 2022, riêng xuất khẩu thủy sản giảm 32,9%…

Trông chờ thị trường phục hồi

Dự báo về thị trường XK thời gian tới, một số ý kiến cho rằng, nửa cuối năm nay, nhu cầu của thị trường thế giới sẽ ấm lên, mở ra những cơ hội tốt cho DN XK nước ta.

Theo Bộ Công Thương, kinh tế Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan… là tín hiệu tích cực đối với kinh tế, thương mại Việt Nam.

Để đón sóng phục hồi của thị trường trong thời gian tới, lãnh đạo Vinatex cho biết, Tập đoàn đã đưa ra các giải pháp ngay từ đầu năm. Theo đó, Vinatex tăng cường giải pháp duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động đối với các DN sợi. Đồng thời, bảo đảm dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Vinatex có chiến lược trở thành điểm đến cho sản phẩm dệt may thời trang xanh - đây cũng là xu hướng tất yếu của các DN nếu muốn gia nhập chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu. Do đó, thời gian qua Tập đoàn không ngừng thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, xanh hóa sản xuất.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho biết, bất chấp kim ngạch XK nông sản trong nước 2 tháng qua sụt giảm, riêng Phúc Sinh vẫn tăng trưởng trên 33% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Thông, đi mọi nơi tìm đơn hàng, luôn chủ động tìm khách hàng, hiểu rõ khách hàng là bí quyết đem lại thành công cho DN. Hàng năm, Phúc Sinh đều lên kế hoạch, dành một phần kinh phí không nhỏ cho hoạt động marketing, xúc tiến thị trường.

Nhìn về triển vọng thị trường XK nông sản năm 2023, ông Thông nhận định sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có cơ hội cho những DN luôn chủ động chuyển động cùng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đồng tình với góc nhìn này, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, lượng đơn hàng XK trong năm nay của DN khá tốt nhờ không ngừng thực hiện các giải pháp nâng cao phẩm cấp của hạt gạo, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, dự báo triển vọng XK gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực. Theo ông Bình, cơ hội luôn có với những DN chịu đổi mới và có sự chuẩn bị tốt.

Tin cùng chuyên mục