WB cảnh báo những rủi ro của kinh tế Việt Nam

(BĐT) - Dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam là tích cực trong trung hạn, tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra nhiều dấu hiệu cảnh báo về những rủi ro hiện hữu mà Việt Nam cần thận trọng để tránh gây tổn thương hoặc khiến nền kinh tế bất ổn trở lại.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam có tiến triển, nhưng cần chuyển sang cải cách về chiều sâu. Ảnh: Trường Hải
Ngân hàng Thế giới đánh giá, cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam có tiến triển, nhưng cần chuyển sang cải cách về chiều sâu. Ảnh: Trường Hải

Thận trọng với chính sách tiền tệ nới lỏng

Theo WB, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá là tích cực trong trung hạn. Tuy nhiên, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, triển vọng trong trung hạn còn phải tính đến một số rủi ro bất lợi.

Nhìn từ bên ngoài, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy trầm và viễn cảnh về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang nhạt dần có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam thông qua các kênh thương mại và đầu tư. Trong khi đó, tình hình thị trường tài chính toàn cầu chưa khởi sắc và viễn cảnh tăng lãi suất do dự báo về thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ cũng làm dấy lên một số quan ngại, khi Việt Nam đang có dự kiến tiếp cận thị trường quốc tế để đáp ứng một số nhu cầu huy động vốn cho ngân sách.

Nhìn từ trong nước, WB nhấn mạnh, những cải cách về tài khóa và chuyển đổi cơ cấu nếu chậm triển khai sẽ làm yếu đi viễn cảnh tăng trưởng trong trung hạn vì mô hình hiện nay - dựa vào tích lũy các yếu tố sản xuất và các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng - sẽ sớm chạm ngưỡng. Điều này lại càng đặt ra nhu cầu phải nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ hơn nữa, gây tiềm ẩn rủi ro về áp lực lạm phát và đảo ngược những thành quả gần đây về ổn định kinh tế.

WB cảnh báo, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng khá nhiều và tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao có thể làm gia tăng những nguy cơ dễ tổn thương hiện hữu về tài chính và kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối được tích lũy nhưng chưa được trung hòa triệt để nên tổng phương tiện thanh toán đã tăng khá nhanh trong cả năm qua, với tốc độ khoảng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP theo giá danh nghĩa. Thanh khoản dồi dào khiến cho tăng trưởng tín dụng vào tháng 10/2016 lên đến khoảng 19% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù áp lực lạm phát vẫn chưa cao, nhưng hiện đang có quan ngại cho rằng tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức cao và kéo dài, giống như trước đây, sẽ gây áp lực về giá tài sản, từ đó kích hoạt áp lực lạm phát về lâu dài.

Bên cạnh đó, những rủi ro hiện hữu về ổn định tài chính trong trung hạn có thể tăng lên, nhất là với tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam, hiện ở mức 112%, vốn đã là cao với nền kinh tế có mức thu nhập như Việt Nam và vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết, xử lý triệt để. 

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam đạt 6,3%; CPI tăng 4,5%; nợ công ở mức 65,2% GDP.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, đánh giá, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vững chắc trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu nhưng cũng còn nhiều việc cần phải làm. Tái cơ cấu khu vực tài chính đã đạt được những tiến triển như hợp nhất các tổ chức tín dụng yếu kém qua sáp nhập và mua lại, thắt chặt giám sát ngân hàng… Tuy nhiên, các vấn đề về chất lượng tài sản và rủi ro liên quan đến an toàn vốn tiếp tục là trở ngại của khu vực ngân hàng, khi quá trình xử lý nợ xấu vẫn chậm tiến triển và bị cản trở do thiếu khuôn khổ pháp lý thuận lợi. Cải cách doanh nghiệp nhà nước có tiến triển, nhưng cần chuyển đổi trọng tâm sang cải cách về chiều sâu. Mặt khác, quá trình này còn hạn chế sự tham gia của khu vực tư nhân và cơ bản vẫn giữ tài sản dưới sự quản lý của Nhà nước. Vấn đề tuân thủ các chuẩn mực cao hơn về quản trị doanh nghiệp và minh bạch cũng chưa được xử lý triệt để…

WB khuyến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục cam kết đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu để hỗ trợ một mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất nhiều hơn. Chuyên gia của WB chỉ ra, đã có những dấu hiệu cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay đang phải đối mặt với những hạn chế tăng trưởng mang tính cơ cấu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm đà và viễn cảnh kinh tế vĩ mô cho thấy rủi ro suy giảm bất định ngày càng tăng. Tăng trưởng kinh tế đã trở nên quá phụ thuộc vào tích lũy các yếu tố sản xuất (vốn, tài nguyên và lao động kỹ năng thấp) cũng như các gói kích thích (chính sách tín dụng và tài khóa nới lỏng), trong khi đóng góp của tăng trưởng năng suất đang giảm xuống, còn tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư đang giảm dần.