Ảnh Internet |
Theo đó, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực này đã phục hồi sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; trong khi Trung Quốc lỡ mất đà tăng trưởng do tiếp tục có các biện pháp kiềm chế dịch bệnh.
Báo cáo của WB cho biết, trong thời gian tới, hoạt động kinh tế trong toàn khu vực có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu toàn cầu chậm lại, nợ gia tăng và tình trạng phụ thuộc vào các giải pháp kinh tế ngắn hạn để chống lại việc tăng giá lương thực và nhiên liệu.
Tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc) được dự báo sẽ tăng tốc lên 5,3% trong năm 2022 so với 2,6% trong năm 2021, theo Báo cáo của WB. Trong khi đó, Trung Quốc - trước đó là quốc gia dẫn dắt phục hồi trong khu vực - hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với 8,1% trong năm 2021.
Còn trong toàn khu vực, tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại còn 3,2% trong năm 2022, so với 7,2% trong năm 2021, trước khi tăng lên 4,6% trong năm 2023.
Theo WB, tăng trưởng ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có được nhờ nhu cầu trong nước phục hồi, các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng và tăng trưởng xuất khẩu.
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đang dần làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu và các sản phẩm chế tạo, chế biến xuất khẩu của khu vực. Lạm phát tăng đồng loạt khiến cho lãi suất cũng tăng lên, qua đó làm cho dòng vốn chạy ra ngoài và đồng tiền mất giá tại một số quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương. Những diễn biến này làm tăng gánh nặng trả nợ và thu hẹp dư địa tài khóa, ảnh hưởng xấu đến các quốc gia rơi vào đại dịch với gánh nặng nợ cao.
"Quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các quốc gia trong khu vực cần xử lý những sai lệch về chính sách trong nước vốn là trở ngại cho phát triển dài hạn", Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro cho biết.
Trong quá trình các quốc gia trong khu vực tìm cách bảo vệ hộ gia đình và doanh nghiệp khi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, các biện pháp chính sách hiện nay chỉ mang tính hỗ trợ đáp ứng nhu cầu, nhưng làm tăng thêm sự méo mó chính sách hiện có.
Việc kiểm soát giá lương thực và trợ cấp năng lượng mang lại lợi ích cho những người giàu và ảnh hưởng tới chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.
Các biện pháp cho phép hoãn thời gian trả nợ hiện nay, nhằm nới lỏng điều kiện cho vay trong thời gian đại dịch, có thể khiến nguồn lực bị kẹt lại ở các công ty yếu kém, khiến dòng vốn không tới được các lĩnh vực hoặc doanh nghiệp năng động nhất.
“Các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa giải quyết lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế”, Chuyên gia kinh tế trưởng Aaditya Mattoo của WB cho biết.
"Kiểm soát và trợ giá làm mờ đi tín hiệu giá và ảnh hưởng đến năng suất. Chuyển sang những chính sách tốt hơn về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và tài chính sẽ vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa phòng chống lạm phát”, vị chuyên gia này gợi ý.