WB cho rằng, sự phục hồi toàn cầu sẽ giảm tốc độ rõ rệt trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục bùng phát, các biện pháp hỗ trợ chính sách ít đi và đứt gãy nguồn cung kéo dài. Kinh tế thế giới chịu nhiều rủi ro do giảm giá, sự bùng phát các biến thể virus mới, khả năng lạm phát không được kiểm soát và căng thẳng tài chính trong bối cảnh mức nợ cao kỷ lục.
Sau khi phục hồi lên mức ước tính 5,5% vào năm 2021, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc đáng kể xuống 4,1% vào năm 2022 và cùng với đó là sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập toàn cầu, phần nào đảo ngược sự suy giảm của tình trạng này đã đạt được trong hai thập kỷ trước. Đến năm 2023, sản lượng hàng năm dự kiến sẽ duy trì dưới xu hướng trước đại dịch ở tất cả các khu vực thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (EMDE), trái ngược với các nền kinh tế tiên tiến - nơi khoảng cách được dự báo sẽ thu hẹp.
Báo cáo của WB dự đoán tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm xuống còn 3,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức 5% trong năm ngoái, và có thể giảm mạnh xuống còn 2,3% trong năm 2023. Tuy nhiên, WB cho rằng sản lượng và hoạt động đầu tư của những nền kinh tế này sẽ trở lại xu hướng trước đại dịch vào năm 2023.
WB đã hạ tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2021 xuống còn 5,6% và dự báo mức này sẽ giảm tiếp trong năm 2022 và năm 2023, lần lượt xuống còn 3,7% và 2,6%. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong năm 2021 là 1,7%, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6 năm ngoái, song sẽ tăng lên mức 2,9% trong năm nay.
Theo Báo cáo, Trung Quốc dự kiến đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2021, thấp hơn 0,5% so với dự báo trước đó. WB cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chậm lại, ở mức 5,1% trong năm 2022 và 5,2% trong năm tiếp theo.
Đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, WB dự báo tốc độ tăng trưởng của những nước này sẽ chậm lại ở mức 4,6% trong năm 2022, thấp hơn so với 6,3% của năm 2021, và tiếp tục giảm xuống còn 4,4% trong năm 2023.