GDP Trung Quốc được dự báo giảm dần trong giai đoạn 2016 - 1018. Ảnh:Reuters |
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương công bố hôm nay, WB nhận xét: "Tăng trưởng tại đây được dự báo tiếp tục nhích lên giai đoạn 2016 - 2018". Theo đó, GDP toàn khu vực được dự báo tăng 6,4% năm nay và 6,2% năm tới. Trước đó, dự báo hồi tháng 4 của họ lần lượt là 6,3% và 6,2%.
WB giữ nguyên dự báo cho Trung Quốc năm nay và năm tới tại 6,7% và 6,5%. Tuy nhiên, họ lại hạ tốc độ năm 2018 xuống 6,3%. WB cho rằng tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ chậm lại khi nước này tiếp tục tái cân bằng nền kinh tế, phát triển dựa vào tiêu dùng, dịch vụ và các hoạt động giá trị gia tăng. Dù vậy, lao động thiếu hụt sẽ kéo thu nhập và tiêu dùng cá nhân lên cao.
Trong nhóm nước Đông Nam Á, Philippines được dự báo tăng 6,4% năm nay. Còn tại Indonesia, tốc độ này sẽ tăng dần đều, từ 4,8% năm 2015 lên 5,5% năm 2018, nhờ đầu tư công và các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Malaysia sẽ chỉ tăng trưởng 4,2% năm 2016, giảm so với 5% năm ngoái, do nhu cầu dầu toàn cầu yếu.
Tại Việt Nam, tăng trưởng năm nay sẽ xuống còn 6%, do hạn hán nặng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ này sẽ phục hồi lên 6,3% năm 2017, nhờ nhu cầu tiêu dùng và tín dụng tăng. Xuất khẩu cũng sẽ tăng theo nhờ các hiệp định thương mại tự do gần đây.
Báo cáo nhận xét khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn đối mặt với rủi ro tăng trưởng lớn. Vì thế, các quốc gia cần có biện pháp giảm tổn thương về tài chính. Còn trong dài hạn, báo cáo khuyến nghị các nước giải quyết những thách thức về tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó có thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ thiếu dinh dưỡng và cải thiện tài chính.
Họ cũng nhận định việc Anh rời EU sẽ không có tác động lớn lên khu vực này trong ngắn hạn, do quan hệ thương mại, tài chính với Anh không lớn. Anh chỉ đóng góp chưa đầy 2% tổng xuất khẩu của hầu hết các quốc gia tại Đông Á - Thái Bình Dương và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này.