Ảnh minh họa: Internet |
Tại Báo cáo Thống kê và triển vọng thương mại toàn cầu mới nhất, WTO cho biết, sau khi sụt giảm lớn hơn dự kiến vào năm 2023 do áp lực lạm phát và lãi suất cao, tổng khối lượng thương mại toàn cầu được dự báo tăng 2,6% trong năm 2024 và tăng thêm 3,3% vào năm 2025.
"Lý do cho sự tăng trưởng này về cơ bản là do bình thường hóa lạm phát và cũng là bình thường hóa chính sách tiền tệ, vốn là lực cản đối với thương mại vào năm 2023", Nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa nhận xét.
Sự phục hồi thương mại dự kiến sẽ diễn ra trên diện rộng, bao gồm cả khắp châu Âu, nơi đã trải qua một số đợt sụt giảm sâu nhất về khối lượng thương mại vào năm ngoái do căng thẳng địa chính trị và khủng hoảng năng lượng.
Báo cáo của WTO kết luận, nhìn chung, thương mại thế giới "có khả năng phục hồi đáng kể" trong những năm gần đây, vượt lên trên mức đỉnh điểm trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo rằng, căng thẳng địa chính trị vẫn có thể gây rủi ro cho triển vọng của thương mại toàn cầu.
"Đặc biệt, xung đột giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas của Palestine có thể gây ra sự gián đoạn thương mại lớn nếu nó lan sang thị trường năng lượng", ông Ossa cho biết. Nhà kinh tế học này cũng chỉ ra những dấu hiệu của sự "phân mảnh" thương mại toàn cầu theo đường ranh giới địa chính trị.
Báo cáo của WTO đã chia nền kinh tế toàn cầu thành hai "khối địa chính trị giả định" dựa trên mô hình bỏ phiếu của Liên hợp quốc và nhận thấy rằng, tăng trưởng thương mại giữa các khối chậm hơn so với bên trong chúng. Ví dụ, Mỹ và Anh thường có quan điểm tương tự trong các cuộc bỏ phiếu gần đây của Liên hợp quốc về xung đột Nga - Ukraine, trong khi Trung Quốc và Nam Phi lại có quan điểm trái ngược nhau.
Sự phân mảnh đó đặc biệt đáng chú ý giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Ông Ossa cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng, tăng trưởng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chậm hơn 30% so với tăng trưởng thương mại giữa 2 quốc gia này với các nước khác".
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại nổi lên trong tuần này, khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết sẽ không loại trừ khả năng áp thuế đối với Bắc Kinh, nếu nước này bị phát hiện có hành vi thương mại không công bằng. Lời kêu gọi có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lặp lại hôm 9/4.
Cuộc tranh cãi tập trung vào cáo buộc rằng Trung Quốc đang "đổ bộ" hàng hóa công nghệ xanh được trợ cấp vào thị trường quốc tế, làm giảm giá các nhà sản xuất trong nước một cách hiệu quả. Bắc Kinh phủ nhận các tuyên bố này.
Báo cáo của WTO không nêu chi tiết các dự báo thương mại cụ thể của Trung Quốc, tuy nhiên, Báo cáo dự đoán xuất khẩu của châu Á tăng tổng cộng 3,4% trong cả năm 2024 và 2025.