Ảnh minh họa: Internet |
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, Báo cáo Thương mại Thế giới năm 2024 đã khẳng định vai trò của thương mại trong việc giảm nghèo và chia sẻ thịnh vượng, "trái ngược với quan điểm hiện đang phổ biến" cho rằng thương mại đang tạo ra một thế giới bất bình đẳng hơn.
Theo báo cáo của WTO, trên toàn cầu, các chính sách thương mại hạn chế thường có tác động không cân xứng đến các hộ gia đình thu nhập thấp, phụ nữ và các công ty nhỏ hơn có thể gặp khó khăn với chi phí cố định trong thương mại gia tăng.
Báo cáo của WTO cho biết, Mỹ đang chuẩn bị tăng thuế quan đối với một loạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm tăng gấp 4 lần thuế suất đối với xe điện, trong khi Canada đã áp dụng mức thuế suất xe điện tương đương với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng thuế suất xe điện riêng của mình. Trung Quốc phản ứng lại bằng cách mở các cuộc điều tra sản phẩm sữa, thịt lợn và rượu mạnh nhập khẩu từ EU và hạt cải dầu từ Canada.
Báo cáo của WTO chỉ ra, nhìn chung, các hộ gia đình có thu nhập thấp thường phải chịu gánh nặng lớn hơn từ mức thuế cao hơn.
Tại Mỹ, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc hiện được miễn thuế nhập khẩu chủ yếu được vận chuyển đến các khu vực có thu nhập thấp, có lợi cho các hộ gia đình nghèo.
Theo báo cáo của WTO, các chính sách bảo hộ thương mại có thể thất bại vì thường dẫn đến giá cả hàng hóa trong nước cao hơn, làm giảm tiêu dùng. Những chính sách bảo hộ cũng có thể dẫn đến sự trả đũa, gây thiệt hại từ các đối tác thương mại.
Báo cáo của WTO kết luận rằng, chủ nghĩa bảo hộ không phải là một con đường hiệu quả để đạt được sự bao trùm, mà là một cách tốn kém để bảo vệ một số ngành nghề cụ thể, có thể làm tăng chi phí cho các ngành khác và gây ra nguy cơ bị trả đũa từ các đối tác không hài lòng.