Xả tưng bừng, nhà đầu tư lại muốn hệ thống... "đơ"

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất ngờ gặp lực xả cực lớn sau phiên bùng nổ thanh khoản hôm qua. Bây giờ hệ thống chịu tải lớn hơn bỗng khiến khối lượng bán vượt quá khả năng mua. VN-Index lao dốc giảm từ đỉnh cao và nếu không có trụ đỡ thì tình thế còn khó khăn gấp bội...
VN-Index hình thành hình mẫu giá khá xấu hôm nay cùng với thanh khoản rất lớn.
VN-Index hình thành hình mẫu giá khá xấu hôm nay cùng với thanh khoản rất lớn.

Thị trường bất ngờ gặp lực xả cực lớn sau phiên bùng nổ thanh khoản hôm qua. Bây giờ hệ thống chịu tải lớn hơn bỗng khiến khối lượng bán vượt quá khả năng mua. VN-Index lao dốc giảm từ đỉnh cao và nếu không có trụ đỡ thì tình thế còn khó khăn gấp bội.

VIC là trụ chống đỡ duy nhất có hiệu lực ở phiên này. Lác đác vài cổ phiếu khác tăng như VHM, MSN, VPB, NVL thì hoặc là vốn hóa quá nhỏ, hoặc tăng quá ít. VN-Index bốc hơi 4,12 điểm hôm nay và VIC "cõng chỉ số" khoảng 8 điểm. Điều đó nghĩa là VIC nếu bị đánh bẹp xuống tham chiếu, chưa cần giảm, thì VN-Index đã có thể bốc hơi tới trên 12 điểm.

Thực tế lo ngại này không phải không có cơ sở. VIC tăng kịch trần kéo dài tới tận 2h chiều thì bắt đầu tụt xuống. Một phần nguyên nhân là hệ thống đã nghẽn ngay từ lúc 2h, khiến cầu đỡ khó vào. VIC sụt giảm khoảng 0,35% so với giá đỉnh và đóng cửa chỉ còn tăng 6,59% so với tham chiếu.

VN30-Index cũng được VIC kéo lên dữ dội. Cổ phiếu này tạo ra gần 12 điểm đối với chỉ số VN30, giúp mức giảm chưa tới 1 điểm. Tuy vậy cũng như VN-Index, nếu không có VIC thì VN30-Index cũng lao dốc rất nặng. Rổ này có 20 mã giảm và chỉ 7 mã tăng. Số tăng còn có VHM tăng 0,69%, VPB tăng 1,43%, MSN tăng 2,5%, NVL tăng 1,36%, TPB tăng 1,54%, VJC tăng 0,08%. Trong số này MSN, VHM và VPB tác động tới VN30-Index nhiều hơn với VN-Index và là nguyên nhân giúp chỉ số của rổ blue-chips giảm không nhiều.

Ngược lại nhóm giảm không chỉ chiếm ưu thế về số lượng trên cả sàn HSX mà còn có nhiều mã rất lớn. VCB giảm 1,42%, BID giảm 2,46%, CTG giảm 2,66%, HPG giảm 2,15%, GAS giảm 2,16%, TCB giảm 1,3%, MBB giảm 1,74%, STB giảm 3,2% là những cổ phiếu ảnh hưởng tệ nhất tới VN-Index và VN30-Index. Có thể thấy yếu tố đậm nét của nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt điều chỉnh sâu.

Trong số các mã ngân hàng lớn, trừ VPB thì không còn cổ phiếu nào đạt được đỉnh cao mới kể từ khi VN-Index vượt đỉnh 1250 điểm. Hôm nay các mã này đồng loạt quay đầu giảm mạnh, nghĩa là yếu hơn thị trường. Kết quả kinh doanh quý 1 dường như không còn tác dụng nâng đỡ giá, ít nhất là ở thời điểm thanh khoản cực lớn như hai hôm nay.

Độ rộng toàn sàn HSX rất hẹp, với số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng. Chỉ số VNMidcap giảm 1,59%, VNSmallcap giảm 1,06%. Các mã ngược dòng thành công và có thanh khoản tốt là TGG, AMD, ITA, HAI, ROS, HID, HAP...

Thị trường hôm qua giao dịch rất cởi mở khi bất ngờ hệ thống của sàn HSX được tăng tải. Điều này tạo sự hào hứng cao trào trong phiên sáng nay. VN-Index mở cửa đã tăng 0,8%, sau đó tăng vọt lên 1.268,02 điểm, trên tham chiếu 1,24%. VN30-Index lúc đạt đỉnh cũng tăng 1,61%.

Điều bất ngờ là lực xả xuất hiện rất nhanh. Nhờ có VIC neo giữ ở giá kịch trần nên đà rơi nhìn từ chỉ số không quá nhiều. Tuy nhiên độ rộng co hẹp đã phản ánh thực tế không chối cãi được là đang có hoạt động chốt lời lớn xuất hiện ở khắp thị trường. Đến hết phiên sáng sàn HSX đã khớp tới 16.800 tỷ đồng, mức cao kỷ lục. Trong khi đó cổ phiếu đại đa số là giảm giá.

Hệ thống giao dịch khá ổn định cho tới giữa phiên chiều thì lệnh bắt đầu chậm hơn và đến khoảng 2h thì hoàn toàn tắc tại nhiều đầu. Áp lực bán trong 2/3 thời gian giao dịch của cả ngày đã để lại hậu quả rõ nét là chỉ số giảm, cổ phiếu giảm la liệt. Dù tắc lệnh nhưng phiên chiều HSX cũng giao dịch thêm 3.623 tỷ đồng nữa. Như vậy mức khớp lệnh sàn này chính thức có kỷ lục mới với gần 20.423 tỷ đồng.

Do đà lao dốc từ đỉnh cao trong phiên này là rất lớn, cổ phiếu điều chỉnh so với đỉnh buổi sáng hầu hết trên 2%, nên sức ép là không hề nhỏ trong mức thanh khoản khổng lồ nói trên. Dường như hệ thống tăng tải lại kích thích nhà đầu tư xả hàng nhiều hơn. Điều này khiến không ít người lại mong hệ thống "đơ" như cũ để chậm đà giảm lại.

Hôm qua và hôm nay tính ra đã có hơn 47.400 tỷ đồng mắc vào cổ phiếu, nếu tính cả thỏa thuận thì trên 52.200 tỷ đồng. Rõ ràng là có lượng cổ phiếu khổng lồ đã chọn giải pháp chốt lời khi thị trường tăng bùng nổ và hệ thống được cải thiện khả năng nhận lệnh.

Tin cùng chuyên mục