Xác định phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão, lũ, nên một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ không đạt được. Vì vậy, đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội phát huy cao độ năng lực, trí tuệ... xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn, nâng cao đời sống của người dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội…
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng ngày 20/10/2020 tại Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Đại dịch Covid 19 tiếp tục bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái, cùng những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong nước đã tác động bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Với sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, cả nước đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để sớm kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của nước ta ước đạt trên 2%, là mức tăng trưởng tích cực so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống Nhân dân được ổn định, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Kết quả đạt được đã góp phần củng cố niềm tin trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tại Phiên khai mạc Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày những kết quả nổi bật, cũng như những thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt từ 2% đến 3%. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân… Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, định hướng của đất nước là tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tin cùng chuyên mục