Xây dựng bộ công cụ đánh giá DNNVV tiềm năng tham gia chuỗi giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quyết định ban hành Bộ công cụ đánh giá doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiềm năng tham gia chuỗi giá trị đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện với mục đích ban hành bộ công cụ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV và các tổ chức liên quan có căn cứ áp dụng lựa chọn hỗ trợ.
DNNVV Việt Nam chiếm hơn 97% doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng sự phát triển của khối doanh nghiệp này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu (Ảnh minh họa: Internet)
DNNVV Việt Nam chiếm hơn 97% doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng sự phát triển của khối doanh nghiệp này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ công cụ đánh giá năng lực tham gia chuỗi giá trị được xây dựng và phát triển dựa vào cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực sản xuất để từng bước trở thành nhà cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi do một số tổ chức quốc tế triển khai ở Việt Nam như: JICA, USAID LinkSME… Đồng thời, Bộ công cụ được điều chỉnh, phát triển dựa trên hiện trạng thực tế hoạt động và tham gia chuỗi giá trị của các DNNVV tại Việt Nam.

Bộ công vụ gồm 11 tiêu chí nhằm thu thập, đánh giá đầy đủ năng lực nội tại và tiềm năng của các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, bao gồm: Lãnh đạo và quản trị; Tài chính, kế toán; Hệ thống quản lý chất lượng; Kiểm sát nhà cung cấp/nguyên vật liệu; Kiểm soát quá trình; Quản lý sản xuất; Bảo trì và quản lý thiết bị đo; Đào tạo nguồn nhân lực; Năng lực phát triển sản phẩm mới; Sức khỏe, an toàn, môi trường; Công nghệ và chuyển đổi số.

Phương thức đánh giá, đo lường tiêu chí dựa trên các câu hỏi đánh giá về tiêu chí liên quan, cách thức đánh giá và thang điểm tương ứng.

Về sự cần thiết ban hành Bộ công cụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, DNNVV chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, bộ phận DNNVV ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới ngày nay. Tuy nhiên, DNNVV Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa liên kết được với các doanh nghiệp FDI, chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Hơn nữa, qua đánh giá sau khoảng 5 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, kết quả và tác động của các chính sách hỗ trợ theo quy định của Luật còn hạn chế, chưa đạt được như mong muốn, đặc biệt là kết quả hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Ngày 26/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP). Một trong những điểm mới của Nghị định là khắc phục những khó khăn trong việc xác định đối tượng hỗ trợ khi triển khai chính sách hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các dự án do JICA, USAID,… tài trợ, triển triển khai hỗ trợ đánh giá, sàng lọc, nâng cao năng lực cho DNNVV trong nước để kết nối với các chuỗi giá trị quốc tế. Qua đó, Cục nhận thấy cần ban hành Bộ công cụ để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV sàng lọc, lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ và đây cũng là nhiệm vụ thực hiện Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

Tin cùng chuyên mục