Xây dựng đô thị thông minh: Dữ liệu cần được liên thông và chia sẻ

(BĐT) - Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều thành phố tại Việt Nam đang tham gia cuộc đua xây dựng thành phố thông minh dựa trên các giải pháp khác nhau, trong đó có giải pháp công nghệ.
Lựa chọn nền tảng công nghệ phát triển đô thị thông minh cần phải phù hợp và có nhiều khả năng phát triển, mở rộng trong tương lai. Ảnh: Giang Đông
Lựa chọn nền tảng công nghệ phát triển đô thị thông minh cần phải phù hợp và có nhiều khả năng phát triển, mở rộng trong tương lai. Ảnh: Giang Đông

Tại Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” được tổ chức trước thềm Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019, các chuyên gia đã chỉ ra một số giải pháp cụ thể cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Con người là trung tâm

Ông Lê Văn Thành, Giám đốc công nghệ của Dell Technologies tại Việt Nam cho biết, trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về đô thị thông minh, nhưng không có một định nghĩa thống nhất cuối cùng, bởi cái được coi là thông minh đối với đô thị này hoàn toàn có thể không phải là thông minh đối với đô thị khác.

Thực tế, mỗi đô thị có một tốc độ đô thị hóa khác nhau và phải tìm cách giải quyết những vấn đề mà “đô thị hóa” gặp phải như: sự gia tăng quá nhanh của dân số, quá tải về hạ tầng đô thị, ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững…

Trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn chế thì giải pháp cho các đô thị là phát triển và ứng dụng công nghệ để cải thiện những vấn đề nêu trên. Kinh nghiệm của nhiều đô thị trên thế giới cho thấy, mỗi đô thị sẽ lựa chọn giải pháp công nghệ khác nhau và bức thiết trước mắt để giải quyết vấn đề bức xúc lớn nhất của mình.

Ông Lê Văn Thành dẫn chứng, trước vấn nạn rác thải, TP. Seoul của Hàn Quốc lựa chọn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thùng rác thông minh, giúp thành phố này tiết giảm được 83% chi phí xử lý rác thải; tỷ lệ rác thải được tái chế tăng lên 46% kể từ khi ứng dụng công nghệ này.

Về lựa chọn giải pháp cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Thành bày tỏ quan điểm, mục tiêu của việc sử dụng công nghệ cho phát triển đô thị thông minh nhằm tối ưu hóa các nguồn tài nguyên (con người, thiên nhiên, nước, năng lượng…). Trong đó, việc bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin của đô thị để người dân tin tưởng, tham gia chia sẻ dữ liệu là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, việc phát triển các ứng dụng cho đô thị thông minh phải có mối liên hệ, gắn kết với dịch vụ dành cho người dân; những giải pháp công nghệ phải bảo đảm lợi ích cho mọi người dân của chính đô thị đó. Nói cách khác, phải lấy người dân làm trọng tâm để đưa ra những giải pháp thông minh cho đô thị, góp phần cải thiện dịch vụ, cải thiện sự tương tác giữa người dân và chính quyền.

Nhấn mạnh thêm về vai trò của người dân trong việc xây dựng đô thị thông minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, một trong những quan điểm được Chính phủ đưa ra trong Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 là phải lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh.

Chia sẻ dữ liệu để thu hút nguồn lực xã hội

“Việc xây dựng đô thị thông minh chỉ thành công nếu có được cơ sở dữ liệu lớn và mở. Dữ liệu này là một trong những yếu tố trọng yếu tạo nên thành công của đô thị thông minh”, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT nhấn mạnh.

 Ông Việt nêu thực trạng ở Việt Nam, cơ sở dữ liệu của mỗi đô thị hiện được tổng hợp và lưu trữ bởi các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Những dữ liệu này hiện chưa được chia sẻ công khai, thậm chí bị “cát cứ” bởi những cơ quan này.

Nếu dữ liệu lớn được chia sẻ, mở, sẽ giúp cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp có thể khai thác, đưa ra những ứng dụng công nghệ để giải quyết chính những vấn đề bức xúc của thành phố, đô thị đó.

Dựa trên những phân tích đó, ông Nguyễn Xuân Việt đề xuất, muốn phát triển hiệu quả đô thị thông minh, cần phải xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin về đô thị, mà phải mở những nguồn dữ liệu (một số thông tin có thể công khai) này để khu vực tư nhân, doanh nghiệp có thể tiếp cận. Từ đó, doanh nghiệp có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ, phát triển một ứng dụng, phần mềm độc lập cho người dân sử dụng, tạo ra những giá trị công quay lại phục vụ cho Chính phủ, đô thị và người dân.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Lê Văn Thành cho rằng, dữ liệu của đô thị thông minh cần phải được liên thông và chia sẻ. Việc này sẽ giúp tận dụng được nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực xã hội để giải quyết vấn đề phát triển đô thị thông qua những ứng dụng của đô thị thông minh.

Về dài hạn, ông Thành nhấn mạnh, mỗi đô thị khi lựa chọn phát triển đô thị thông minh cần phải xác định rõ nền tảng kiến trúc công nghệ phù hợp và có nhiều khả năng phát triển, mở rộng trong tương lai. Những công nghệ của mỗi ứng dụng cho đô thị thông minh phải được xây dựng với khả năng kết nối, liên thông được nhiều ứng dụng khác trong tương lai.