94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy mô GDP nước ta không ngừng mở rộng, đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, ghi danh nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Xuyên suốt chiều dài kiến tạo những thành quả vượt bậc về tăng trưởng kinh tế, có những giai đoạn nền kinh tế nước ta phải chịu tổn thương nặng nề khi xuất hiện những phần tử cơ hội tìm cách cấu kết, tạo lợi ích nhóm để tham nhũng, trục lợi.
Sáng 23/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội |
Đấu tranh với sai phạm, không có vùng cấm
Dư luận cả nước đang đặc biệt quan tâm đến diễn biến một số đại án kinh tế xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty CP Tập đoàn Thuận An, Công ty CP FLC… Nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, trong đó có cả những cán bộ, Đảng viên giữ chức vụ quan trọng, chủ chốt trong một số cơ quan nhà nước. Các đại án lần lượt được đưa ra xét xử nhân lên niềm tin trong Nhân dân khi Đảng ta kiên quyết đấu tranh với sai phạm trên các mặt trận, lĩnh vực khác nhau, không có vùng cấm. Đây là một nỗ lực vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ thành quả phát triển kinh tế, đồng thời mở đường cho các thành phần kinh tế có cơ hội phát triển, vươn lên.
Năm 2023, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại đây, Người đứng đầu Đảng ta khẳng định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự; kết hợp giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Quan điểm của Tổng Bí thư được xem là “kim chỉ nam” trong công tác xây dựng Đảng, thể hiện nhuần nhuyễn phương châm kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”; giữa đẩy lùi và ngăn chặn từ sớm, từ xa; giữa xử lý nghiêm minh và phòng ngừa, giáo dục; giữa xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và cán bộ gắn liền với chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; giữa quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế. Cuốn sách của Tổng Bí thư lan tỏa và làm sâu sắc hơn nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại mới, ngăn chặn và đẩy lùi sai phạm, đồng thời hướng Nhân dân Việt Nam đến khát vọng xây dựng đất nước đẹp giàu.
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật |
94 năm trước, Đảng cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng chọn chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Sau nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục vận dụng, phát triển nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 2021-2023, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân/người khoảng 7.500 USD); đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để giữ gìn thành quả phát triển của đất nước, một trong những tư tưởng xuyên suốt từ khi nước ta có Đảng là phải xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Trong Bản di chúc thiêng liêng của Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc, Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, phải làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, chăm lo tới cuộc sống của người dân, củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân” và “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Lời dặn dò của Bác như ngôi sao sáng dẫn đường trong công tác xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, đòi hỏi từng cán bộ, Đảng viên phải thực sự liêm chính, đồng thời quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phân công rành mạch và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, với sự giám sát của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nguồn lực đầu tư công luôn là một trong những trụ cột quan trọng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Ảnh: Lê Tiên |
Hoàn thiện chính sách, góp sức phát triển nền kinh tế
Nguồn lực đầu tư công luôn là một trong những trụ cột quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Để nguồn lực đầu tư này phát huy hiệu quả tốt nhất, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 yêu cầu đổi mới toàn diện thể chế quản lý đầu tư công, thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công. Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công.
Liên quan đến khung pháp lý điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước, năm 2005, Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu lần đầu tiên. Năm 2013, Luật Đấu thầu được làm mới và có hiệu lực đến hết năm 2023. Trong nhiều năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt là việc thúc đẩy hình thức đấu thầu qua mạng, tạo chuyển biến toàn diện trong công tác đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong triển khai đấu thầu. Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu được duy trì ổn định, tỷ trọng các gói thầu áp dụng các hình thức kém cạnh tranh (như chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế) ngày càng giảm. Tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng trong những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu do Chính phủ quy định.
Năm 2021, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, chỉ đạo việc sửa đổi Luật Đấu thầu 2013. Báo cáo trước Quốc hội tháng 10/2021, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan trực tiếp soạn thảo dự thảo Luật Đấu thầu - đưa ra 8 lý do cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả về mua sắm công. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đấu thầu 2013 chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát và mới chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư, mà chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền (là các bên quan trọng trong việc quyết định đến tính hiệu quả, minh bạch trong đấu thầu). Bên cạnh đó, Luật cũng chưa có quy định về chế tài xử lý đối với trường hợp các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng việc kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị về đấu thầu trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả...
Hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu không ngừng được hoàn thiện, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong triển khai đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Sau nhiều nỗ lực xây dựng, Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội ban hành tháng 6/2023, tích hợp 3 mục tiêu chính sách lớn. Đó là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu”; “Thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho nhóm lao động yếu thế” và “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu”. Trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động thầu, điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 là đẩy mạnh phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình. Luật quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đấu thầu. Luật bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán các hoạt động đấu thầu theo hướng cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm trong đấu thầu, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu.
Luật định nghĩa 5 yêu cầu cốt lõi của hoạt động đấu thầu, đó là bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Song hành cùng diễn tiến chính sách, từ năm 2024, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phát triển thêm nhiều tính năng mới, trong đó công khai giám sát hoạt động thầu, chi tiết đến các địa phương, các chủ đầu tư, các nhà sản xuất, đại lý phân phối, thậm chí đến các hồ sơ mời thầu bị kiến nghị hạn chế cạnh tranh… Chính sách đấu thầu được hoàn thiện, công tác giám sát hoạt động thầu được thực hiện chặt chẽ, minh bạch tiếp tục hướng các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu vào kỷ cương, phép nước, tạo hành lang pháp lý khiến các tổ chức, cá nhân "không thể, không dám, không muốn tham nhũng", như chỉ đạo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu.
Khi nguồn lực đầu tư công cũng như các nguồn lực đầu tư khác được sử dụng minh bạch, hiệu quả, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm giải trình, kinh tế nước ta chắc chắn sẽ phát triển nhân lên tiềm lực, vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, tiếp tục con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và hiện thực hóa nền tảng tư tưởng của Đảng trong xây dựng đất nước mạnh giàu.