Xây dựng tiêu chí để nhà thầu Việt tham gia dự án metro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết, loạt dự án hạ tầng trọng điểm của Thành phố vừa được giao nhiệm vụ và ấn định rõ mốc thời gian để đấu thầu lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư. Đặc biệt, với các dự án đường sắt đô thị, Thành phố sẽ sớm xây dựng tiêu chí giao nhiệm vụ, đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước, từ đó nâng cao năng lực của nhà thầu Việt trong lĩnh vực đường sắt.
Ban Quản lý đường sắt đô thị được giao làm chủ đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ban Quản lý đường sắt đô thị được giao làm chủ đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định về giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án thuộc Danh mục dự án dự kiến mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM kèm theo Nghị quyết số 188/2025/QH15.

Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị được giao làm chủ đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị, gồm: tuyến 1 Bến Thành - An Hạ; tuyến 2 Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Củ Chi; tuyến 3 Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ; tuyến 4 Đông Thạnh (Hóc Môn) - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước; tuyến 5 Long Trường - Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - Đềpô Đa Phước; tuyến 6 Vành đai trong; tuyến 7 Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand Park.

Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thực hiện, TP.HCM giao Ban Quản lý đường sắt đô thị đề xuất phương án bố trí vốn cho các dự án đường sắt đô thị giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 và 2031 - 2035; xây dựng kế hoạch phân bổ vốn hàng năm để bảo đảm tiến độ triển khai dự án.

Đối với việc bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, TP.HCM cho biết sẽ bổ sung nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác. Xây dựng phương án huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện các dự án. Đặc biệt, TP.HCM sẽ bố trí vốn từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện một số hoạt động phục vụ cho dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 188/2025/QH15. Đồng thời, Thành phố sẽ xây dựng phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương bố trí vốn cho các dự án đường sắt đô thị.

TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM tập trung xử lý dứt điểm các tồn đọng liên quan đến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), giải quyết các khiếu nại của nhà thầu liên quan đến hợp đồng, thực hiện đầy đủ các kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Hoàn thành các thủ tục để kết thúc chủ trương đầu tư tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) bằng nguồn vốn ODA theo đúng quy định. Khẩn trương tổ chức khảo sát, lập thiết kế tổng thể (FEED) và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án mới trình cơ quan chuyên môn và người có thẩm quyền để xem xét, phê duyệt.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cụ thể theo từng tháng, quý, năm tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư. Chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và triển khai dự án đúng mục tiêu, tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật trong suốt quá trình thực hiện.

Liên quan đến công tác đấu thầu dự án đường sắt đô thị, UBND TP.HCM cho biết sẽ sớm xây dựng quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ. Cùng với đó là xây dựng Quy định về phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ; Quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Đây là khung chính sách bệ đỡ cho công nghiệp phụ trợ, ưu đãi cho nhà thầu nội địa tham gia sâu các hạng mục thuộc dự án metro trên địa bàn.

Đối với tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, từ nay đến tháng 4/2025, các sở ban ngành sẽ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nguồn vốn từ sử dụng ODA sang đầu tư công. Trong tháng 4/2025 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu quy hoạch liên quan đến phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch khu vực TOD và lập khung quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD. Tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng tuyến vào tháng 10/2025 để cuối năm 2025 đủ điều kiện khởi công.

Tin cùng chuyên mục