Những dự án thủy điện nhỏ, nếu được nghiên cứu cẩn trọng, thực hiện nghiêm túc có tác dụng rất tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nguyễn Chinh |
Không ít dự án thủy điện nhỏ được xây dựng, song những luận chứng cũng như báo cáo toàn diện về tác động, chế độ vận hành của công trình chưa được xem xét triệt để. Đây là chia sẻ của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam với Báo Đấu thầu xung quanh câu chuyện này.
Ông đánh giá thế nào về đầu tư thủy điện ở miền Trung cũng như chuyện nhà máy thủy điện xả lũ mới đây?
Các con sông ở miền Trung rất ngắn, độ dốc lớn, nên số ngày mưa kéo dài (từ 5 - 7 ngày) với lượng mưa lớn thì lượng nước rất lớn sẽ chảy hết ra biển và khi hết mưa khu vực này lại trở nên khô hạn. Vì thế, việc xây dựng các dự án thủy điện trên các sông ngòi ở miền Trung nếu làm tốt sẽ có tác động tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, đáng tiếc là việc xả lũ vừa qua của một số nhà máy thủy điện ở miền Trung được cho là một nguyên nhân gây thiệt hại về người và của cho nhân dân. Do đó, ở những dự án này, chúng ta phải xem lại quy trình tích nước và xả lũ. Chỉ khi không thực hiện đúng quy trình mới để xảy ra thiệt hại lớn như vậy cho vùng hạ du.
Tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ và vừa nên được tận dụng tối đa, bởi đây là nguồn năng lượng quý của đất nước. Nhưng kèm theo đó, cần có những nghiên cứu, đánh giá tổng thể chứ không đơn thuần chỉ là mục đích phát điện. Việc phát triển các dự án thủy điện cần xét trên tương quan sử dụng tổng hợp nguồn nước như: chống lũ, thủy lợi, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, du lịch. Khi thực hiện đầy đủ các mục tiêu đưa ra, các dự án thủy điện sẽ có tác dụng rất tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm nguồn năng lượng bền vững cho đất nước.
Tại nước ta, tôi thấy có không ít người có vẻ thành kiến với những dự án thủy điện nhỏ, nhưng nếu các dự án này được nghiên cứu cẩn trọng, thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn các dự án sẽ có tác động tốt.
Một sự cố khác là vỡ cống dẫn dòng ở Dự án Thủy điện Sông Bung 2 cũng gây thiệt hại về người và tài sản. Ông nhìn nhận như thế nào về sự cố này?
Theo thông tin công bố thì sự cố tại Thủy điện sông Bung 2 là trong giai đoạn công trình này đang thử đường ống dẫn dòng. Ngoài nguyên nhân được công bố, thì sự cố cũng có thể là do có một số khiếm khuyết gì đó trong quá trình xây dựng… Đây là sự cố đáng tiếc cần được rút kinh nghiệm, từng khâu một phải kiểm tra và theo dõi một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt về quy trình.
Vậy, ông có ý kiến, đề xuất gì để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ?
Câu chuyện phát triển các dự án thủy điện nhỏ phải được kiểm soát bởi những cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên môn có đủ trình độ. Chẳng hạn như thông qua luận chứng kinh tế kỹ thuật - báo cáo dự án để đánh giá toàn diện tác động của các dự án thủy điện khi được xây dựng và vận hành.
Đứng về trách nhiệm quản lý nhà nước, tôi cho rằng, cơ quan quản lý không nên khoán trắng cho các địa phương, nhất là địa phương không có đủ đội ngũ chuyên gia có trình độ để đánh giá được toàn diện tác động của các thủy điện nhỏ, tránh dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Cụ thể là Bộ Công Thương, cơ quan quản lý được giao trách nhiệm, phải để mắt đến việc này bằng việc xét từng dự án thủy điện cho dù đó chỉ là dự án nhỏ, còn quy chế quản lý vận hành có thể giao cho địa phương.
Việc xây dựng, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các nguồn thủy điện nhỏ nên xem xét một cách cẩn thận hơn để không phải trả giá đắt.