Xí đất để không, một công ty ở Kon Tum bị thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
Công ty Cổ phần Sài Gòn Măng Đen bị tỉnh Kon Tum thu hồi lại diện tích 1.500m2 ở huyện Kon Plông vì nhiều năm liền “xí đất”, không đưa vào sử dụng.

Ngày 11/8, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định thu hồi diện tích 1.500m2 đất của Công ty cổ phần Sài Gòn Măng Đen tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.

Lý do thu hồi do công ty này vi phạm Luật Đất đai năm 2013, được giao đất nhưng không đưa vào sử dụng.

Nhiều dự án ở Măng Đen được giao đất nhưng không sử dụng. Ảnh minh họa

Nhiều dự án ở Măng Đen được giao đất nhưng không sử dụng. Ảnh minh họa

Theo hồ sơ, Công ty cổ phần Sài Gòn Măng Đen (trụ sở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) được tỉnh Kon Tum cho thuê đất từ năm 2007, mục đích xây dựng Văn phòng làm việc và phòng trưng bày sản phẩm gỗ. Năm 2019, công ty này tiếp tục được tỉnh Kon Tum cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất thêm 24 tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn không có động thái đưa diện tích đất này vào sử dụng.

Do đó, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đã ký quyết định thu hồi 1.500m2 đã cấp cho Công ty cổ phần Sài Gòn Măng Đen. Tỉnh Kon Tum giao diện tích đất trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty cổ phần Sài Gòn Măng Đen và thực hiện chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định.

Vì bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai nên theo UBND tỉnh Kon Tum, doanh nghiệp trên không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) và giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất theo Nghị định số 47 (năm 2014) của Chính phủ.

Tại tỉnh này, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh Kon Tum thời gian qua có các kết luận chỉ ra hàng loạt dự án sai phạm, có dấu hiệu chiếm đất, phá rừng trên địa bàn huyện Kon Plông.

Theo tìm hiểu, trong số hơn 90 dự án đầu tư vào Kon Plông (Kon Tum) đến nay, có tới 25 dự án khu du lịch sinh thái, trong đó có 16 dự án chậm triển khai, nhiều dấu hiệu cho thấy có sự lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất, giữ chỗ, bán, sang nhượng dự án.

Tin cùng chuyên mục