Bộ Công Thương yêu cầu xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tạo khan hiếm xăng dầu |
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên như hiện nay, các Bộ: Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tích cực vào cuộc, chủ động triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có khoảng hơn 200 cửa hàng đóng cửa, đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các Nghị định liên quan về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10/2022.