Xử lý việc trúng đấu giá rồi “bỏ cọc”: Đề xuất cấm tham gia đấu giá, bổ sung cả chế tài hình sự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 14/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật.

Báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, về phạm vi sửa đổi Luật, Dự thảo đã bám sát 3 nhóm chính sách được Quốc hội thông qua khi đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của Luật hiện hành; tăng 16 điều, khoản so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. Do đó, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp với phạm vi sửa đổi.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm là chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá (Điều 70). Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho hay, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu theo hướng bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023.

Đây là những tài sản đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng… Do đó, việc bổ sung quy định cấm người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc, vì vậy đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hoặc sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật Đấu giá tài sản về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc với mức xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe và ngăn ngừa, tương tự như quy định của Luật Chứng khoán; đồng thời, nếu xác định được gây mất an ninh, trật tự, gây thiệt hại về người và tài sản thì cần thiết phải bổ sung cả chế tài hình sự.

Tin cùng chuyên mục