Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ luôn có mặt ở các điểm nóng gây ấn tượng mạnh về tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ảnh: Quý Bắc |
Năm 2024 đã khép lại. Quy luật tự nhiên chẳng biết vô tình hay hữu ý đã chọn những ngày nắng ấm trải khắp dải đất hình chữ S để kết thúc một vòng quay đầy biến động, có cả những biến số mới trên phạm vi toàn cầu.
Nếu nhìn ở bình diện quốc tế, 365 ngày qua tiếp tục đặt nhân loại vào những bài toán hóc búa mới, chưa có lời giải cho hòa bình, ổn định. Không còn mới mẻ nhưng vẫn đầy thách thức, đó là cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine vượt con số trên một nghìn ngày và đang có dấu hiệu leo thang. Hàng loạt vũ khí hạng nặng và vũ khí công nghệ mới nhất được sử dụng không chỉ đưa thương vong hai phía lên cao mà còn cho thấy gương mặt đầy chết chóc của chiến tranh công nghệ - cuộc chiến phi truyền thống mà tất cả các nước sẽ phải nhìn nhận nghiêm túc và có thể đối mặt trong tương lai bất định.
Cũng trong năm qua, sự leo thang cực điểm của xung đột Trung Đông giữa Israel và các tổ chức hồi giáo cực đoan có lúc tưởng như đẩy đất nước Do Thái này vào cuộc chiến mới với một vài quốc gia láng giềng. Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên bất ngờ nguội lạnh và chứa những ẩn họa. 2024 cũng là năm thứ ba người dân châu Âu phải quen với việc tiết kiệm nhiên liệu, khí đốt trong những ngày băng giá, chi phí sinh hoạt tăng cao và đe dọa lạm phát.
Một điểm sáng lớn đóng góp vào bức tranh của một Việt Nam vươn mình, đột phá về hạ tầng là giải ngân đầu tư công. Những đại công trường chạy đua với thời gian và hình ảnh người đứng đầu Chính phủ luôn có mặt ở các điểm nóng, kịp thời chỉ đạo tìm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn”, động viên các kỹ sư, công nhân nỗ lực, tận hiến với “3 ca, 4 kíp”, làm việc không kể ngày nghỉ, ngày Tết đã đem lại hiệu quả rất lớn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, khoảng 1.000 km đường cao tốc đã được hoàn thành.
Mối lo ngại về những biến số của địa chính trị thế giới bất ổn, của những xung đột lợi ích âm ỉ giữa các siêu cường và ảnh hưởng của những liên minh quân sự, kinh tế phi truyền thống có thời điểm đẩy giá vàng thế giới tăng cao. Nợ công gia tăng tại nhiều quốc gia tác động lên các dòng vốn ngoại, lên tỷ giá các đồng nội tệ so với USD và giá các tài sản tài chính.
Đặt trong bối cảnh chung đó mới thấy Việt Nam ổn định và tăng trưởng cao quả như một kỳ tích giữa một thế giới đa cực bề bộn, nhiều biến động của năm 2024. GDP tăng trưởng vượt 7% bất chấp sự thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, tàn phá nhiều vùng miền tại các tỉnh phía Bắc. Cùng với tập trung tối đa nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã giữ vững các cân đối vĩ mô, lấy trọng tâm là thúc đẩy tổng cầu, thúc đẩy đầu tư công và tháo các “điểm nghẽn” của cơ chế chính sách. Sự phối hợp nhịp nhàng của điều tiết kinh tế vĩ mô, của chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và kiểm soát giá cả đã giữ chỉ số CPI cả năm không vượt 4% dù lương cơ bản của công chức, viên chức tăng 30%, lương của người về hưu tăng 15% từ ngày 1/7/2024.
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hàng đầu với gần 39 tỷ USD vốn đầu tư được đăng ký cũng như góp vốn, mua cổ phần. Dữ liệu được công bố mới nhất cho thấy, Singapore dẫn đầu về lượng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam, trong khi Trung Quốc xếp hạng cao nhất về số lượng dự án mới, phản ánh sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam nhờ sự ổn định chính trị và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng đang là điểm đến của các “đại bàng” về công nghệ, thu hút làn sóng đầu tư từ các nền kinh tế lớn của khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc vào lĩnh vực công nghiệp phần mềm, bán dẫn, ghi dấu kỳ vọng Việt Nam sẽ là một thủ phủ mới của công nghệ này tại châu Á trong tương lai gần.
Một điểm sáng lớn đóng góp vào bức tranh của một Việt Nam vươn mình, đột phá về hạ tầng là giải ngân đầu tư công. Những đại công trường chạy đua với thời gian và hình ảnh người đứng đầu Chính phủ luôn có mặt ở các điểm nóng, kịp thời chỉ đạo tìm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn”, động viên các kỹ sư, công nhân nỗ lực, tận hiến với “3 ca, 4 kíp”, làm việc không kể ngày nghỉ, ngày Tết đã đem lại hiệu quả rất lớn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, khoảng 1.000 km đường cao tốc đã được hoàn thành. Trong năm qua, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài gần 80 km được khánh thành, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được thông xe và khởi công cao tốc Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị. Các dự án giao thông, cảng biển trọng điểm như Cảng hàng không Long Thành, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô, Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cần Giờ, Cảng Cái Mép… được đẩy nhanh tiến độ sẽ tháo “nút thắt” về hạ tầng cho nhiều vùng miền trong tương lai không xa. Một điểm nhấn của đầu tư công trong năm qua là đại dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 67 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, chắc chắn rồi đây sẽ tạo đột phá cho hạ tầng đất nước trong kỷ nguyên mới.
*****
Năm 2024 khép lại với nhiều dấu ấn đặc biệt của đất nước, dân tộc với việc tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu Đảng và đất nước đã dũng cảm chỉ ra “điểm nghẽn” của những “điểm nghẽn” chính là thể chế, bộ máy. Với cái nhìn sâu sắc, thấu hiểu, toàn diện, “đúng” và “trúng” những vấn đề là lực cản của sự phát triển như sự cồng kềnh nhiều tầng, nấc của bộ máy hành chính, sự lãng phí nguồn lực, lãng phí tài sản xã hội không kém gì tham nhũng dễ đưa đất nước thụt lùi, người đứng đầu Đảng và đất nước đã chỉ rõ lực cản cần phải loại bỏ trong quá trình cải cách, hội nhập để Việt Nam không tụt hậu, thực sự trở thành con rồng của châu Á trong kỷ nguyên vươn mình.
Ngay lập tức, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội đã vào cuộc với tinh thần của cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “khó mấy cũng phải làm”, “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”… Ban Chỉ đạo về sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến địa phương và mỗi bộ, ngành được thành lập. Theo phương án hợp nhất, sáp nhập một số bộ, cơ quan, dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và các cơ quan trong bộ. Các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất giảm từ 35 - 40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối. Nguồn lực quốc gia dùng chi thường xuyên quá lớn lâu nay sẽ được dành chi cho đầu tư, phát triển.
Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, linh hoạt, cùng trách nhiệm và đạo đức công vụ, hàng triệu công chức, viên chức, người lao động hiểu giá trị của sự thay đổi tích cực, sẵn sàng gác lại quyền lợi cá nhân để gỡ bỏ những “điểm nghẽn” của đất nước.
Xuân 2025 với sự kiện kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng kỳ vọng sẽ ghi dấu ấn về một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đó là kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu vào dịp kỷ niệm 100 năm ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như mong ước của Bác Hồ.