Bản tin thời sự sáng 3/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bắc Ninh thu hút 1,8 tỷ USD vốn đầu tư một ngày, vượt kế hoạch cả năm 2025; Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án truyền tải điện trị giá hơn 1.600 tỷ đồng; đã khoan được 647 m hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội…

Bắc Ninh thu hút 1,8 tỷ USD vốn đầu tư một ngày, vượt kế hoạch cả năm 2025

Ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2025, Bắc Ninh đã trao chứng nhận đăng ký/chủ trương đầu tư với số vốn 1,8 tỷ USD, vượt 1,5 lần kế hoạch cả năm 2025.

Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn (trái) và Chủ tịch UBND Vương Quốc Tuấn (phải) trao chứng nhận đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất màn hình và các linh kiện điện tử cho Samsung Display Việt Nam

Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn (trái) và Chủ tịch UBND Vương Quốc Tuấn (phải) trao chứng nhận đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất màn hình và các linh kiện điện tử cho Samsung Display Việt Nam

Ngày 2/1, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 18 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn 1,8 tỷ USD, trong đó số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 1,67 tỷ USD.

Một trong những dự án được trao chứng nhấn đầu tư đợt này là Dự án Đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất màn hình và các linh kiện điện tử của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam.

Đáng chú ý, số vốn được trao chứng nhận đăng ký/chủ trương đầu tư ngay ngày làm việc đầu năm mới 2025 của Bắc Ninh đã vượt 1,5 lần kế hoạch cả năm của Tỉnh.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Bắc Ninh đạt 6,03% so với năm 2023. Thu hút đầu tư FDI được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Tỉnh khi trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo đó, thu hút FDI cả năm 2024 của Tỉnh đã đạt trên 4,8 tỷ USD, tăng 2,9 lần so cùng kỳ và đứng thứ nhất cả nước. Đây cũng là tổng số vốn FDI cao nhất mà Bắc Ninh đã thu hút được trong vòng 10 năm trở lại đây.

Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án truyền tải điện trị giá hơn 1.600 tỷ đồng

Chiều 2/1/2025, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trên địa bàn Tỉnh.

Phối cảnh TBA 220kV Bình Mỹ

Phối cảnh TBA 220kV Bình Mỹ

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 20 dự án và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,7 tỷ USD. Trong đó, có 2 dự án do EVNNPT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.

Dự án Trạm biến áp 220kV Bình Mỹ và đấu nối được thực hiện trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tổng vốn đầu tư gần 442 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý I/2025 và nghiệm thu đóng điện trong quý IV/2025.

Mục tiêu Dự án nhằm đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải huyện Bắc Tân Uyên; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương và khu vực lân cận; giảm tải cho các máy biến áp 220/110kV tại các trạm biến áp 220kV hiện hữu và giảm tải cho các đường dây 110kV trong khu vực; góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho lưới điện khu vực.

Dự án Trạm biến áp 220kV Bến Cát 2, có tổng mức đầu tư 1.161,7 tỷ đồng. Dự án có quy mô xây dựng mới trạm biến áp 220kV công suất 750MVA (giai đoạn này lắp đặt 500 MVA), phần đường dây 220kV đấu nối sẽ xây dựng mới có tổng chiều dài khoảng 20 km.

Trạm biến áp 220kV Bến Cát 2 được xây dựng trên khu đất đang trồng cao su thuộc khu phố An Mỹ, phường An Điền, thành phố Bến Cát. Tiến độ thực hiện Dự án từ quý III/2024 - III/2027.

Mục tiêu Dự án nhằm đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải khu vực và các phụ tải phát triển nhanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Bến Cát, tạo mạch vòng liên kết, đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương…

Đã khoan được 647 m hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Ban Quản lý đường sắt đô thị (MRB) cho biết, Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội đạt 80,32% tiến độ tổng thể.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao

Chiều 2/1, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó trưởng Ban MRB cho biết, Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đạt 80,32% tiến độ tổng thể. Trong đó, đoạn trên cao dài 8,5 km, từ ga S1 đến ga S8, đã hoàn thành, đã vận hành thương mại vào ngày 8/8/2024.

Đối với đoạn tuyến đi ngầm (Gói thầu CP03), tiến độ đạt 50,54%. Trong đó, máy khoan hầm TBM số 1 được vận hành từ ngày 30/7/2024, đến nay đã khoan được 647 m, lắp đặt 431 vòng vỏ hầm. Máy khoan hầm TBM số 2 dự kiến khởi công trong tháng 1/2025.

Với Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ngày 16/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hiện, MRB đang huy động tư vấn hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án, trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Về giải phóng mặt bằng, khu vực depot với diện tích phải thu hồi là 17,58 ha, đến nay đã giải phóng mặt bằng phần đất nông nghiệp. Phần đất cơ quan, đất quốc phòng, đất ở đang được kiểm đếm.

Với phần ga trên cao, chủ đầu tư và các địa phương đã giải phóng mặt bằng được khoảng 92% diện tích. Phần ga ngầm đã giải phóng mặt bằng được khoảng 79% diện tích.

Ngày 21/6/2024, MRB đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) tiếp nhận hồ sơ, tài liệu tuyến 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên).

Thường trực Thành ủy thống nhất chủ trương hợp tác nghiên cứu tuyến 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai) với Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Với tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất sử dụng vốn ODA. Ban đang hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà thầu dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Với tuyến số 5 (Văn Cao - Hoà Lạc), sau khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chuyển hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về Thành phố để tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền.

Việt Nam sắp có bệnh viện ảo đầu tiên ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo

Một công ty công nghệ sinh học của Úc đang chuẩn bị thành lập bệnh viện sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên tại Việt Nam có tên MedArmor.

Các chức năng của bệnh viện AI MedArmor

Các chức năng của bệnh viện AI MedArmor

Bệnh viện AI đầu tiên của Việt Nam sẽ tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe phòng ngừa, với mục tiêu phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời.

Bệnh viện AI MedArmor sẽ áp dụng mô hình chăm sóc ảo, sử dụng công nghệ hội nghị truyền hình để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các dịch vụ chuyên khoa bao gồm quản lý đột quỵ từ xa, phòng chăm sóc đặc biệt điện tử và tư vấn trực tuyến giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) của bệnh viện sẽ tích hợp AI để phân tích dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân, từ đó cung cấp thông tin chi tiết cho việc sàng lọc phòng ngừa và tư vấn y tế cá nhân hóa.

MedArmor hướng đến việc giải quyết những thách thức lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, như công bằng, chi phí, tính bền vững môi trường và phúc lợi của lực lượng lao động. Với mô hình chăm sóc ảo, bệnh viện hy vọng nâng cao khả năng tiếp cận chẩn đoán và điều trị cho các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe thông qua giám sát từ xa.

Việc áp dụng công nghệ ảo cũng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, giúp bệnh nhân giảm lượng khí thải carbon bằng cách hạn chế di chuyển đường dài để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, việc đơn giản hóa các nhiệm vụ hành chính sẽ cho phép các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tập trung nhiều hơn vào việc chăm sóc bệnh nhân và phát triển chuyên môn.

Bệnh viện AI MedArmor sẽ được đặt tại Khu công nghiệp Đức Hòa 3, tỉnh Long An, với diện tích 700 ha. Khu vực này đang được phát triển thành trung tâm công nghệ sinh học và bán dẫn nhờ lợi thế nằm cạnh TP.HCM.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thu phí từ 5/1

Từ 0h ngày 5/1, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thu phí để hoàn vốn cho dự án PPP, mức dao động từ 82.281 đến 312.660 đồng, tùy từng loại xe.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Ngày 2/1, đại diện Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình đã chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư đối với Dự án.

Cao tốc chạy qua Nghệ An, Hà Tĩnh dài 49,3 km. Thời gian thu 16 năm 6 tháng, 8 ngày.

Toàn tuyến có 4 trạm thu phí, trong đó ba trạm đặt tại Nghệ An là xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu; xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc; nút giao Quốc lộ 46B thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Trạm còn lại ở Hà Tĩnh được bố trí ở nút giao Quốc lộ 8 đoạn qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ.

Những trạm thu phí này đều sử dụng hệ thống thu phí điện tử không dừng tất cả các làn xe, ứng dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến, đầu vào ETC đa làn tự do, đầu ra ETC đơn làn. Phương tiện khi vào cao tốc phải sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng.

Nằm trong cao tốc Bắc - Nam, đường Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3 km, đi qua 2 tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km), được khởi công tháng 5/2021. Để phù hợp với nhu cầu vận tải, giai đoạn một của Dự án quy mô 4 làn xe, mỗi bên 2 làn, nền đường rộng 17 m, cho phép ôtô chạy tối đa 90 km/h, tối thiểu 60 km/h.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và Nhà nước tham gia hơn 6.060 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ Giao thông vận tải với liên danh 6 nhà đầu tư. Dự án khai thác toàn tuyến hôm 29/6/2024, từ thời điểm đó đến nay đã phục vụ miễn phí cho khoảng 3,5 triệu lượt xe.

Đà Nẵng huy động hơn 200 người đắp đê cứu bãi biển 'đẹp nhất châu Á'

Đà Nẵng huy động hơn 200 người dùng bao tải cát xếp chồng lên nhau, kết hợp với rọ sắt tạo thành đê chắn sóng bảo vệ bờ biển Mỹ Khê.

Lực lượng chức năng đã chuẩn bị hàng trăm rọ sắt để đắp đê. Công nhân phía trên liên tục vận chuyển rọ xuống khu vực sạt lở

Lực lượng chức năng đã chuẩn bị hàng trăm rọ sắt để đắp đê. Công nhân phía trên liên tục vận chuyển rọ xuống khu vực sạt lở

Ngày 2/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng và Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng huy động hơn 200 người khắc phục sạt lở tại bãi biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà.

Bãi biển Mỹ Khê là khu vực sạt lở nặng nhất ở Đà Nẵng, kéo dài khoảng 150 m dọc đường Võ Nguyên Giáp, sóng ăn sâu vào bờ khoảng 15 m. Phương án đưa ra là cho xe tải chạy xuống bãi biển, xúc cát tại một bãi bồi chở về khu vực đang sạt lở để có vật liệu gia cố tại chỗ.

Mỹ Khê là bãi biển đẹp nhất Đà Nẵng, được mệnh danh là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, top 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. So với 3 ngày trước, bờ biển Mỹ Khê đã bị sóng xâm thực thêm khoảng 2 m, làm hư hỏng nhiều hàng dừa, vỉa hè.

Ông Trần Đại Nghĩa, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, việc đắp bao cát, rọ sắt sẽ giúp chắn sóng, tránh việc sóng cuốn cát ra xa bờ gây sạt lở.

Theo ông Trần Đại Nghĩa, sạt lở do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc tạo thành dòng chảy rút xa bờ (tên tiếng Anh là rip current). Dòng rip là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển.

Tùy theo thời tiết hàng năm, vị trí dòng rút thay đổi và gây mức độ sạt lở khác nhau. Thông thường bãi biển sau đó sẽ được bồi đắp trở lại vào tháng 3 - 4. "Đây là lần đầu tiên sau 25 năm sóng biển xâm thực gây thiệt hại nặng cho bãi biển Mỹ Khê", ông Nghĩa nói.

Việt Nam cần 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Việt Nam cần khoảng 2.400 nhân lực trong trường hợp tái triển khai hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tức mỗi nhà máy là 1.200 người.

Việt Nam cần 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Việt Nam cần 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW).

Báo cáo tại hội nghị về phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ngày 2/1, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy (công suất 2.000 MW) là khoảng 600 - 1.200 người. Con số này dựa trên khuyến cáo của Tổ chức năng lượng nguyên tử (IAEA) và một số tập đoàn, cơ quan về điện hạt nhân. Trong đó, có những người ở vị trí quan trọng cần được đào tạo và có kinh nghiệm thực tiễn từ 5 - 10 năm.

Với Việt Nam, theo ông Hùng, nhu cầu nhân lực cần tới 1.200 người một nhà máy. Số này đảm bảo cho các vị trí như kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, nhà máy, vận hành khai thác - điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật.

Như vậy, trường hợp tái triển khai cả 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (công suất 2x2.000 MW), nhu cần nhân lực tương ứng là 2.400 người.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm một số quốc gia đã phát triển loại năng lượng này, Việt Nam còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật về hạt nhân, chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D)... Những nhân lực này nhằm phục vụ nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy.

"Số lượng nhân lực nêu trên chưa tính đến nhu cầu cho quản lý Nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện, giảng viên trong các cơ sở giáo dục", ông Hùng nói thêm.

Thực tế, năm 2010, thời điểm nghiên cứu hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - Thủ tướng đã duyệt Đề án đào tạo và phát triển nhân lực về năng lượng nguyên tử đến 2020. Theo đề án này đến 2020, cả nước có khoảng 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành điện hạt nhân, trong đó khoảng 13% được đào tạo tại nước ngoài...

Cần Thơ quá tải xử lý rác thải

Lượng rác thải sinh hoạt của TP. Cần Thơ mỗi ngày khoảng 650 tấn, trong khi công suất xử lý của 2 nhà máy chỉ 500 tấn, chưa kể lượng rác tồn đọng gần 1 triệu tấn.

Bãi rác tại xã Đông Thắng đang tồn đọng hơn 700.000 tấn rác, gây ô nhiễm môi trường

Bãi rác tại xã Đông Thắng đang tồn đọng hơn 700.000 tấn rác, gây ô nhiễm môi trường

Bãi rác xã Đông Thắng hoạt động đầu năm 2010 trên diện tích hơn 1 ha với khả năng tiếp nhận, xử lý 15 tấn rác mỗi ngày cho huyện Cờ Đỏ. Đến giữa năm 2014, nơi đây được mở rộng thêm 5 ha để tiếp nhận rác thải thêm cho các quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền với 300 - 400 tấn rác mỗi ngày, chủ yếu là chôn lấp.

Cuối năm 2018, khi nhà máy điện rác tại huyện Thới Lai đi vào hoạt động, bãi rác Đông Thắng giảm lượng tiếp nhận, còn khoảng 100 tấn mỗi ngày. Hiện nơi này có tổng diện tích hơn 6 ha, được bố trí 11 ô chôn lấp, 4 ô xử lý nước rỉ rác, cùng 6 lò đốt (trong đó có 3 lò ngừng hoạt động)...

Đến nay, lượng rác chôn lấp tồn đọng chưa xử lý tại bãi rác Đông Thắng khoảng 700.000 tấn và 10.000 tấn rác tạm trữ của quận Ninh Kiều.

TP. Cần Thơ hiện có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đó là nhà máy đốt rác phát điện của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Trung Quốc), quy mô hơn 5 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, tại huyện Thới Lai. Nhà máy có công suất 400 tấn, tiếp nhận rác từ 5 quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Thới Lai, Ô Môn để xử lý.

Đơn vị còn lại là lò đốt rác tại bãi rác ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Minh Thông làm chủ đầu tư có công suất 100 tấn mỗi ngày. Nơi đây đảm nhiệm xử lý rác cho 4 quận huyện gồm: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thốt Nốt.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ, lượng rác thải của thành phố khá lớn, với gần 650 tấn mỗi ngày, vượt công suất thiết kế của 2 nhà máy xử lý hiện có. Do đó, nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thới Lai đang phải tiếp nhận thêm 125 tấn hàng ngày. Còn lò đốt rác tại xã Đông Thắng huyện Cờ Đỏ cũng phải tiếp nhận thêm 20 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, lò này đến cuối năm 2025 phải ngừng hoạt động do hết thời gian quy định theo chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, lượng rác thải sinh hoạt đang tồn đọng tại các bãi chôn lấp trên địa bàn TP Cần Thơ gần một triệu tấn. Trong đó, bãi rác quận Ô Môn tồn hơn 36.000 tấn, bãi rác huyện Cờ Đỏ tồn 700.000 tấn, quận Thốt Nốt 60.000 tấn và bãi rác số 8 ở quận Cái Răng trên 162.000 tấn.

Tin cùng chuyên mục