Lập đoàn xác định nguyên nhân sập giàn giáo Thủy điện Đăk Mi
Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) lập đoàn công tác xác định nguyên nhân, triển khai biện pháp an toàn sau vụ sập giàn giáo Thủy điện Đăk Mi 1.
Dự án đập Thủy điện Đăk Mi 1 |
Đoàn công tác bắt đầu làm việc từ ngày 1/1, do Cục trưởng Hoàng Hải làm trưởng đoàn, các trưởng phòng Giám định, Quản lý an toàn xây dựng, đại diện Bộ Công Thương, UBND tỉnh Kon Tum và các chuyên gia cùng tham gia.
Công tác này được tiến hành sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, tổ chức giám định nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục ngay sự cố, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn công trình xây dựng và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn trong hoạt động xây dựng công trình (nếu có).
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện; xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định, tuyệt đối không để xảy ra vụ tai nạn tương tự.
Trước đó, sáng 31/12/2024, trong lúc đổ bêtông hạng mục đập ngăn dòng thủy điện tại Thủy điện Đăk Mi 1 (Kon Tum), giàn giáo sập làm nhóm công nhân rơi xuống hố sâu 5 m, 3 nạn nhân tử vong, 2 người mất tích.
Thủy điện Đăk Mi 1 công suất 84 MW nằm trên sông Đăk Mi, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay Dự án vẫn chưa hoàn thành.
Khuyến khích điện rác, điện mặt trời trên mặt hồ
Bộ Công Thương ủng hộ các địa phương đầu tư nhà máy điện rác, ưu tiên đưa vào quy hoạch các dự án dùng mặt hồ làm điện mặt trời.
Nhà máy điện rác Phú Sơn, Huế |
Thông tin được nêu tại hội nghị về triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và điều chỉnh Quy hoạch điện VIII của Bộ Công Thương. Cơ quan này cho biết, định hướng mở ra tối đa quy hoạch cho các dự án điện rác khi các địa phương có nhu cầu và đề xuất.
Ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch và Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, trong Quy hoạch điện VIII, điện rác chỉ hơn 2.200 MW nên phân cho các địa phương với quy mô công suất giới hạn.
"Trong quá trình xây dựng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, chúng tôi sẽ nghiên cứu để điều chỉnh quy mô cho phù hợp với quy mô, quy hoạch nguồn rác thải tại địa phương đồng thời đánh giá tác động lên lưới điện", ông Tâm nói.
Việt Nam đang có nhà máy điện rác vận hành tại Sóc Sơn (Hà Nội) công suất 4.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 75 MW; nhà máy tại Vĩnh Tân (Bình Thuận) công suất 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30 MW; nhà máy Phù Ninh (Phú Thọ) công suất 500 tấn rác/ngày, công suất phát điện 25 MW và nhà máy điện rác Củ Chi (TP. HCM) công suất 1.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 50 MW.
Theo cập nhật bổ sung danh mục dự án năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương, đang có 34 dự án điện xuất từ rác với công suất 621,1MW được đề xuất tại các địa phương.
Đối với điện mặt trời, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, các địa phương nếu có mặt hồ, đặc biệt là mặt hồ thủy điện có sẵn có đường nối lưới sẽ được ưu tiên đưa vào ngay quy hoạch.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023 và phê duyệt kế hoạch thực hiện vào tháng 4/2024. Bộ Công Thương sẽ trình xem xét, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trước ngày 28/2/2025.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Kim Thành ngày đầu năm đạt hơn 1,6 triệu USD
Tính đến 14h ngày 1/1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) đạt hơn 1,6 triệu USD; trong đó xuất khẩu gần 929.000 USD, nhập khẩu hơn 710.000 USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, tỉnh Lào Cai |
Ngày 1/1, ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành trong ngày đầu năm mới 2025 diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Lượng xe hàng xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai có chiều hướng tăng. Tính đến 14h ngày 1/1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành đạt hơn 1,6 triệu USD; trong đó xuất khẩu gần 929.000 USD, nhập khẩu hơn 710.000 USD.
Các mặt hàng xuất khẩu trong ngày đầu năm mới vẫn chủ yếu là nông sản như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn… ; nhập khẩu chủ yếu hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu trong ngày đầu năm mới, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các lực lượng chức năng làm việc tại cửa khẩu túc trực đảm bảo đủ quân số theo quy định, hoàn thành thủ tục nhanh nhất, bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng.
Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng tại cửa khẩu tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp cắt giảm thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục nhanh gọn, thông thoáng nhằm phục vụ tốt thông quan hàng hóa.
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 2,5 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 31/12 đạt 840,6 tỷ đồng.
Phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
Mục tiêu lập Quy hoạch nhằm đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện của các năm qua, rà soát dự báo nhu cầu điện các năm 2021 - 2024, đưa ra các phương án nhu cầu điện giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2050.
Phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia |
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 1710/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch điện 8).
Mục tiêu lập Quy hoạch nhằm đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện của các năm qua, rà soát dự báo nhu cầu điện các năm 2021 - 2024, đưa ra các phương án nhu cầu điện giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2050.
Đồng thời, nghiên cứu các phương án phát triển nguồn và lưới điện, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên năng lượng, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo; có xét đến trao đổi xuất, nhập khẩu điện với các nước trong khu vực, đề xuất các phương án phát triển hệ thống điện toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Phân tích tính khả thi của phương án phát triển hệ thống điện về các mặt: tiến độ xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ; nguồn vốn và khả năng huy động vốn; đánh giá về tác động môi trường và lập Báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC) trong phát triển điện lực; nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành điện.
Thời hạn lập quy hoạch thực hiện dự kiến không quá 30 tháng kể từ khi Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch điện 8 được phê duyệt và lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch.
Hà Nội giảm 20 tầng cao toà nhà tại khu đô thị Nam An Khánh
Hà Nội vừa điều chỉnh cục bộ chi tiết khu đô thị Nam An Khánh, trong đó giảm chiều cao tối đa toà nhà 20 tầng.
Khu đô thị Nam An Khánh |
Theo Quyết định 6751, Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam An Khánh và phần mở rộng - khu B, tỷ lệ 1/500 tại ô đất ký hoạch HH2D với tổng diện tích khoảng 23.900 m2.
Chức năng sử dụng đất tại đây vẫn được giữ nguyên gồm căn hộ cao cấp, văn phòng, dịch vụ, thương mại và công trình khác. Tuy nhiên, diện tích xây dựng từ 13.152 m2 được giảm xuống còn 9.796 m2.
Tổng diện tích sàn căn hộ từ hơn 146.000 m2, điều chỉnh còn 77.600 m2. Ở chiều ngược lại, diện tích sàn dịch vụ thương mại được tăng 1,7 lần lên khoảng 166.300 m2.
Về chiều cao, Thành phố điều chỉnh cho phép công trình chỉ được cao tối đa 40 tầng. Trước đó, toà nhà được quy hoạch cao 7 - 60 tầng, trong đó, khối đế 7 tầng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng bổ sung bãi đỗ xe ở phía Nam khu đất tiếp giáp với đường Nam An Khánh và 3 tầng hầm phục vụ nhu cầu đỗ xe, kỹ thuật phụ trợ với tổng diện tích trên 58.800 m2.
Khu đô thị mới Nam An Khánh nằm ở phía Tây thủ đô, thuộc địa bàn hai xã An Khánh và An Thượng, huyện Hoài Đức. Tổng diện tích đất quy hoạch cho xây dựng khu đô thị mới là 189,7 ha.
Theo quy hoạch ban đầu, Nam An Khánh có gần 1.800 sản phẩm thấp tầng gồm biệt thự, nhà liền kề. Dự án tại các xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức), được giao cho của Tổng công ty CP Đầu tư phát triển khu đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) phát triển từ năm 2006.
Nhưng qua nhiều thăng trầm về pháp lý, năng lực tài chính của chủ đầu tư, dự án từng phải dừng thi công và tái khởi động lại từ năm 2015. Đến nay, khu đô thị này vẫn còn các hạng mục dở dang.
Mở rộng TP. Hà Tĩnh từ đầu năm 2025
Từ ngày 1/1/2025, TP. Hà Tĩnh mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập thêm 14 xã, nâng diện tích lên 220 km2, gấp gần 4 lần so với hiện nay.
Trung tâm TP. Hà Tĩnh |
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025, toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 138 km2, dân số 81.620 của 11 xã thuộc huyện Thạch Hà (Đỉnh Bàn, Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn và Tượng Sơn) sẽ sáp nhập vào TP. Hà Tĩnh.
Ngoài ra, 2 xã của huyện Cẩm Xuyên (Cẩm Vịnh, Cẩm Bình) và một xã ở huyện Lộc Hà (Hộ Độ) với quy mô dân số 21.953, diện tích tự nhiên 24,74 km, cũng được sáp nhập vào Thành phố.
Với việc mở rộng địa giới hành chính vào đầu năm 2025, TP. Hà Tĩnh sẽ trở thành đô thị năng động, hiện đại với diện tích 220 km2, dân số hơn 266.000 và 27 đơn vị hành chính. Với vị trí địa lý thuận lợi, Hà Tĩnh sẽ là trung tâm kinh tế xã hội sôi động của Bắc Trung Bộ, thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
Hà Tĩnh hướng tới xây dựng đô thị xanh, thông minh, trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ và du lịch của vùng. Thành phố tập trung phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với cảnh quan sông và biển.
Giai đoạn năm 2023 - 2025, tỉnh Hà Tĩnh sáp nhập một huyện và 23 xã. Toàn Tỉnh hiện có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố. Tỉnh có diện tích đất tự nhiên gần 6.000 km2, dân số 1,3 triệu, chiếm 1,33% dân số cả nước. Phía Bắc tỉnh tiếp giáp Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây giáp Lào với 164,448 km đường biên giới.
Công ty Thương mại TNG bị phạt vì bố là chủ tịch, con làm tổng giám đốc
Công ty Thương mại TNG bị phạt 25 triệu đồng và buộc phải miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Đức Mạnh.
Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời (trái) và Tổng giám đốc Nguyễn Đức Mạnh (phải) |
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG) công bố nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, Công ty chưa đảm bảo điều kiện theo quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 do đã bổ nhiệm Tổng giám đốc - ông Nguyễn Đức Mạnh - có quan hệ gia đình với người quản lý doanh nghiệp là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - ông Nguyễn Văn Thời.
Vì vậy, Công ty bị phạt 25 triệu đồng và buộc phải miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Mạnh. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
Quyết định xử phạt cũng nêu nếu quá thời hạn mà TNG không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Mạnh là con ruột Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời. Ngoài ra, ông Thời còn có một người con khác là Nguyễn Mạnh Linh, đảm nhận vị trí Thành viên HĐQT Công ty. Theo báo cáo quản trị Công ty nửa đầu năm 2024, ông Thời sở hữu hơn 18,5% vốn. Ông Mạnh nắm giữ 8,01% vốn, còn ông Linh nắm 0,59%.
TNG là doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong ngành dệt may, đã trải qua 45 năm phát triển, có trụ sở chính tại Thái Nguyên. Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Đức, Canada...
Giai đoạn 2022 - 2023, Công ty duy trì doanh thu khoảng 6.700 - 7.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trên 200 tỷ đồng mỗi năm, cá biệt năm 2022 gần 300 tỷ đồng.
Chủ Công ty Đấu giá hợp danh VAMC ở TP.HCM bị bắt điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trần Tấn Hoàng, 43 tuổi, chủ Công ty Đấu giá hợp danh VAMC, bị cáo buộc nói dối được cơ quan thi hành án giao bán nhiều tài sản, lừa một người 55 tỷ đồng.
Trần Tấn Hoàng tại cơ quan điều tra |
Ngày 1/1, Hoàng bị Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM bắt tạm giam để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 5/2019, Hoàng thành lập Công ty Đấu giá hợp danh VAMC (doanh nghiệp đã nhiều lần thay đổi tên: Công ty Tiền Phong, Hoàng Phát, Trung Tín) và thuê Nguyễn Trung Tín (35 tuổi) làm Giám đốc, đại diện pháp luật, điều hành các phiên bán sản phẩm.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 2/2020 đến tháng 1/2022 Hoàng cần tiền trả nợ nên đưa ra thông tin gian dối về việc Công ty VAMC được cơ quan thi hành án giao bán đấu giá nhiều tài sản. Từ đây, anh ta đã lừa một người nộp gần 55 tỷ đồng để mua 6 tài sản đấu giá. Hoàng sau đó không thực hiện cam kết, chiếm đoạt số tiền này sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, cảnh sát còn nhận được nhiều trình báo của các nạn nhân, cho rằng bị chủ công ty đấu giá này lừa. Vụ án đang được mở rộng điều tra.
Động thái này được cơ quan điều tra đưa ra trong bối cảnh Công an TP.HCM mở cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm dịp Tết 2025.