Đan dệt yêu thương
Tôi nhớ mong xuân về không chỉ bởi đó là sự bắt đầu, khởi sinh của một vòng tuần hoàn; mà còn bởi cái lớt phớt se lạnh của thời tiết sẽ giúp kéo người ta gần lại với nhau hơn, để sự ấm áp của tình người được nhân đôi. Quan trọng hơn, xuân về để đâu đó trong những căn nhà tràn ngập tình thương yêu, những cuộn len mềm sẽ lại được nâng niu, được lựa chọn, để dệt nên biết bao yêu thương, trìu mến.
Xuân năm nào. Khi ở phố chẳng khác mấy quê. Đêm, ánh đèn dầu vàng vọt hắt qua ô cửa sổ gầy guộc, những căn nhà lưa thưa lúp xúp nằm co ro trong hợp âm ri rả của chú dế cô đơn. Trước khi chìm trong giấc mơ về mùi khói pháo; cái kẹo xanh, đỏ. Khi ủ mình trong chiếc chăn ấm. Tôi vẫn cố hướng mắt lên mảnh tường sát cạnh nơi mẹ đang còng lưng đan áo và cả những đôi bao tay, bao chân bé xíu rực rỡ sắc màu. Những mũi kim mải miết vẽ lên nền tường lạnh lẽo hình ảnh bà tiên dịu hiền mang bao phép mầu, trong cái thời luôn thấy dạ cồn cào… Áo, khăn được đan xong, mẹ lại phải lau khô những giọt nước mắt dỗi hờn của sự tị nạnh khi chia cho chị em chúng tôi xúng xính diện Tết.
Chuyện xưa, khi đất nước trải qua bao năm tháng binh đao là chừng ấy những năm tháng biết bao người mẹ, người vợ mòn mỏi chờ chồng đi chinh chiến, cần mẫn ngồi đan áo gửi tới chốn sa trường. Kháng chiến trường kì, trên những chặng đường hành quân khói lửa, trong giấc ngủ chốn sa trường lạnh giá; và trong cả thời bình, dù đâu đó trên khắp miền biên viễn núi cao, sương giăng vọng gác đêm trường, các chiến sĩ thức cho đàn em ngủ, cũng lại được bao bọc bởi tình thương chốn hậu phương đến từ tấm áo, chiếc khăn len…
Ngọt bùi gắn kết
Hà Nội và nhiều thành phố trong nhịp sống hối hả thời hiện đại với ngút ngàn hàng hóa mang dấu ấn công nghệ, được tạo nên bởi những nhà thiết kế tài danh. Tưởng sẽ chẳng còn ai muốn đan khăn, đan áo. Vậy mà sau con lại đến cháu, nhiều xuân mẹ tôi vẫn cần mẫn ngồi đan áo cho cháu. Đôi lúc thấy vui, vì biết thêm ngoài Mẹ vẫn còn những cô gái chăm chỉ đan tặng cho chàng trai mình yêu một chiếc khăn quàng ấm áp.
Những tấm áo, chiếc khăn được đan từ những bàn tay, có thể không đẹp bằng một chiếc áo, chiếc khăn được dệt lên từ dàn máy hiện đại, nhưng lại khiến người mặc cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc. Vì trong từng sợi len, họ cảm nhận được sự quan tâm từ người đan gửi tặng. Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng sự giá rét là cớ để người ta có thể gần nhau hơn, phải chăng cái giá lạnh là để dịp người ta chia sẻ ngọt bùi, để gắn kết yêu thương?!
Trong mưa xuân lất phất, khi cái chạm tay vô tình kéo những người gần bên sát lại, giữa những tất bật, nhấp nháy xanh đỏ của muôn vàn thương hiệu mốt nổi tiếng trên phố Kim Mã, ai đó chắc sẽ tự đặt dấu chấm hỏi, tại sao vẫn thấy một cửa hàng giản dị với cái tủ kính nho nhỏ, bầy ngay ngắn những cuộn len xanh, đỏ, vàng. Và dù cũng chẳng nhiều, một lần nào đó, sẽ rất ngạc nhiên khi thả bộ qua cái lãng đãng sương mù của Hồ Tây và bất chợt gặp một thiếu nữ duyên dáng trìu mến quàng chiếc khăn len được đan khéo léo cho một chàng trai. Hãy hiểu, vẫn còn người đan áo. Hãy hiểu, vẫn còn những món quà giản dị, nhưng vô giá giúp kết nối những trái tim lại gần và cầu nối của tình yêu thương vẫn được nối dài. Như thông điệp của ngàn năm vẫn thế, từ mỗi chiếc áo len.
Bao xuân đến rồi đi, bàn tay mẹ tôi giờ không còn nhanh nhẹn để cầm những chiếc kim đan len, những đứa cháu cũng chẳng còn cơ hội háo hức được nhận từ tay bà cái áo, khăn, mũ len bé xíu... Chiếc áo len năm nào chàng trai và cô gái tặng nhau, giờ có lẽ đã ngủ yên nơi góc tủ bụi bặm…
Chỉ mong, xuân này và xuân sau, lại có người đan áo, để cảm giác ấm áp, sẻ chia không bao giờ là hoài niệm. Để những chiếc áo, chiếc khăn lại được dệt lên từ tình yêu thương, để những trái tim được ấm áp hơn trong những ngày xuân.