Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc trong tháng 7, tạo ra động lực đáng khích lệ cho nền kinh tế vốn dĩ đang vật lộn để phục hồi sau những đợt phong toả chống Covid-19. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu suy yếu có thể gây ra trở ngại đối với các lô hàng xuất khẩu của quốc gia này trong những tháng tới.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt 19,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Internet
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt 19,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Internet

Theo số liệu chính thức được cơ quan hải quan Trung Quốc công bố mới đây, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 7 tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, cao hơn mức tăng 17,9% ghi nhận trong tháng 6 và vượt qua mức dự báo tăng 15% của giới phân tích.

Xuất khẩu là một trong số ít những điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2022, khi các đợt phong toả trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nước này, trong khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng.

“Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế trong một năm đầy khó khăn khi nhu cầu trong nước trì trệ”, Chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang tại Pinpoint Asset Management nhận xét.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm tốc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy một đợt suy thoái nghiêm trọng dưới áp lực từ lạm phát leo thang và lãi suất tăng cao.

Một cuộc khảo sát về hoạt động sản xuất của các nhà máy toàn cầu công bố vào tuần trước cho thấy sự suy yếu của nhu cầu trong tháng 7, với các chỉ số đo lượng đơn hàng và sản lượng cùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch vào đầu năm 2020.

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát chính thức về ngành sản xuất của Trung Quốc cũng cho thấy các hoạt động suy giảm trong tháng 7, làm dấy lên mối lo sợ rằng sự phục hồi kinh tế sau đợt phong toả sẽ diễn ra chậm chạp và "gập ghềnh" hơn dự kiến.

Mặc dù vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giao thông do phong toả gây ra đang tiếp tục được giảm bớt, đúng vào thời điểm các nhà sản xuất và hãng vận tải chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Cảng biển Trung Quốc, lượng container hàng hoá trung chuyển qua 8 cảng biển chính của nước này đã tăng 14,5% trong tháng 7, sau khi tăng 8,4% trong tháng 6.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Bruce Pang - Chuyên gia kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle nhận xét, xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc có thể cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu bị dồn nén của khu vực Đông Nam Á. Cùng với đó, trong khi lãi suất thực còn âm và lạm phát tăng cao, một số khách hàng ở châu Âu và Mỹ có thể đã đặt hàng sớm hơn bình thường để đảm bảo có được hàng với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, trong khi tăng trưởng xuất khẩu vẫn ở mức cao, chủ yếu được hỗ trợ bởi yếu tố giá cả, thì khối lượng hàng xuất khẩu thực chất giảm trong tháng 7, theo Nhà phân tích Chang Ran thuộc Viện nghiên cứu đầu tư Zhixin.

“Nhìn về nửa sau của năm, xuất khẩu được dự báo tiếp tục giữ vững trong ngắn hạn, nhưng nhu cầu suy yếu bên ngoài có thể gây nên áp lực trong quý IV”, ông Chang cho biết.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng 7 của Trung Quốc chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 1% của tháng 6 nhưng không đạt dự báo tăng 3,7% của giới phân tích.

Nhập khẩu dầu thô trong tháng 7 giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái khi nhu cầu xăng dầu phục hồi chậm hơn dự kiến do các đợt bùng phát dịch mới. Theo tính toán của Reuters, nhập khẩu vi mạch tích hợp - nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn của Trung Quốc - giảm 19,6% trong tháng 7. Đây được xem như một dấu hiệu cảnh báo nữa đối với xuất khẩu, bởi một phần lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc là linh kiện dùng cho việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu.

Trong tháng 7, Trung quốc ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục 101,26 tỷ USD, vượt xa dự báo thặng dư 90 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Tuần trước, các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc cho biết, nền kinh tế nước này đang trong "thời kỳ quan trọng" để ổn định và hồi phục, và quý III sẽ giữ vai trò quyết định.

Tin cùng chuyên mục